'Cạn cung' xăng dầu do hạn chế nhập khẩu và 'càng bán, càng lỗ'

Nỗ lực vào cuộc của các bộ ngành, địa phương phần nào đã làm hạ nhiệt tình trạng xếp hàng đổ xăng dầu. Song, việc khan hiếm xăng dầu đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển của doanh nghiệp (DN), sinh hoạt của người dân đòi hỏi có giải pháp căn cơ lâu dài.

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng vấn đề “tính đúng, tính đủ” đang cản trở các DN đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì “càng bán, càng lỗ”, dẫn đến cạn nguồn cung.

Người dân xếp hàng đổ xăng tại cây của HFC số 1 Láng Hạ. Ảnh: Khắc Kiên

Người dân xếp hàng đổ xăng tại cây của HFC số 1 Láng Hạ. Ảnh: Khắc Kiên

Ách tắc do lỗ

Theo khảo sát của phóng viên, sau kỳ điều hành ngày 11/11, những ngày qua tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu đang dần trở lại nhịp độ bình thường, không còn tình trạng xếp hàng dài chờ đổ xăng.

Ông Hoàng Hồng Đào (Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên) trưa 15/11 phản ánh, tình trạng hết hàng, hay chờ đổ xăng đã đỡ hơn mấy ngày trước.

DN đã quay lại tổng kho Đức Giang nhập hàng, tuy nhiên, do nhu cầu cao, cửa hàng tăng sản lượng nhưng bên cấp thì chỉ đủ lượng bình quân như trước nên có những lúc xe vẫn xếp hàng dài chờ lấy xăng, dầu. Hiện chiết khấu có tăng, nhưng vẫn chỉ ở mức 185 đồng/lít là quá thấp.

Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên trưa 15/11 xe vẫn xếp hàng dài chờ đổ xăng. Ảnh: Nguyên Dương

Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên trưa 15/11 xe vẫn xếp hàng dài chờ đổ xăng. Ảnh: Nguyên Dương

Bàn về vấn đề, các chuyên gia, hiệp hội, DN đều cho rằng, Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường trong nước với vai trò là Tổ trưởng Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu phải làm đúng chức trách, tính đúng, tính đủ chi phí các khâu lưu thông kinh doanh xăng dầu, đảm bảo đủ chi phí lưu thông cho các khâu trong kinh doanh xăng dầu, cam kết chịu trách nhiệm về các đề xuất.

Điều này trong thông tư, nghị định đều đã quy định rõ nhiệm vụ của Bộ Công Thương và Tổ liên ngành điều hành giá. Phải làm ngay điều này nếu không muốn tiếp tục vỡ trận xăng dầu. Thực tế, Bộ Công Thương yêu cầu ngay các DN đầu mối phải trả phần chi phí kinh doanh định mức khâu bán lẻ cho các DN bán lẻ xăng dầu. Đây là nghĩa vụ của các DN đầu mối, phải chia sẻ khó khăn với các đại lý bán lẻ. Thời gian qua, chi phí của DN chưa được tính đủ là do thiếu ở các khâu khác, khâu chi phí định mức.

Ông Lê Xuân Thông - Giám đốc Công ty Xuân Hà (DN bán lẻ xăng dầu với 20 năm trong nghề tại Thanh Hóa) chia sẻ, kể từ khi dịch xảy ra, rồi xung đột Nga - Ukraina, DN kinh doanh luôn bị lỗ. Đặc biệt, thời gian gần đây nguồn cung khan hiếm do lượng nhập khẩu giảm nhiều, DN, cửa hàng bán lẻ đứng giữa không có nguồn để cấp ra thị trường.

“Giai đoạn này DN cũng cố gắng duy trì, có đến đâu bán đến đấy. Câu chuyện là ở các nhà nhập khẩu giai đoạn vừa qua lỗ nhiều, nhập bằng mệnh giá USD (đang tăng), bán bằng mệnh giá trong nước buộc phải hạn chế nhập khẩu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung” - Lê Xuân Thông nói.

Tại cửa hàng xăng dầu số 8, TP Thanh Hóa. Ảnh: Nguyên Dương

Tại cửa hàng xăng dầu số 8, TP Thanh Hóa. Ảnh: Nguyên Dương

Do đó, trước mắt là có cơ chế đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu, sau đó DN mới nghĩ đến chiết khấu, hoa hồng. Vì nếu không tính đến lâu dài về giá, vốn, cộng với các chi phí khác về nhân công, vận chuyển DN cũng khó trụ vững.

Đồng thời cho rằng, tình hình không phải một sớm một chiều mới giải quyết được, hy vọng có chính sách giải quyết với các nhà nhập khẩu, qua đó đảm bảo nguồn cung phân phối để các DN bán lẻ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, chứ lợi nhuận với chiết khấu như này thì 2 - 3 năm mới có lãi.

Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh cho biết, thời gian qua, nguồn cung khan hiếm do không đảm bảo sự bền vững, căn nguyên xuất phát từ việc cơ chế điều hành thị trường xăng dầu của các cơ quan quản lý, nguyên nhân không tính đúng, tính đủ cho các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng không đáp ứng được. Cho nên, các DN đầu mối có thể không muốn nhập, càng nhập càng lỗ buộc phải hạn chế để tránh lỗ.

Thẩm quyền chưa phát huy

Từ những kiến nghị của DN, Phó Chủ tịch Chi hội Xăng dầu Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, Bộ Công Thương cần đánh giá bất cập trong các nghị định, thông tư, từ đó mới đệ trình Chính phủ để sửa đổi. Việc vừa sửa và ban hành Nghị định 95/NĐ-CP tháng 12/2021, hiện chưa có thông tin nào về việc Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá, thấy bất cập và đề nghị sửa.

Tại cây xăng của PVOIL đường Láng - cầu Giấy lúc nửa đêm ngày 11/11 người dân xếp hàng dài đổ xăng. Ảnh: Khắc Kiên

Tại cây xăng của PVOIL đường Láng - cầu Giấy lúc nửa đêm ngày 11/11 người dân xếp hàng dài đổ xăng. Ảnh: Khắc Kiên

Nếu giao một mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương cũng nên xem các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu… sẽ thấy rõ mọi trách nhiệm từ việc cấp giấy phép, cho đến những việc chủ động trong điều hành, tức là chủ trì, có quyền đề xuất các kiến nghị… đều thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, giao về một đầu mối, tức là cần giao thêm quyền gì cho Bộ Công Thương phải làm rõ. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có đề nghị chuyển giao đầu mối quản lý điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương, vậy bộ có dám nhận không, có đề nghị không, Chính phủ và cao hơn nữa là Quốc hội có chấp nhận không…

Trước những diễn biến của tình hình cung cầu xăng dầu vừa qua, rõ ràng rất nhiều sản phẩm từ lọc hóa dầu đã quản lý theo cơ chế thị trường từ lâu và đã phát huy hiệu quả, Nhà nước không còn phải bù lỗ, và sự cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng được hưởng lợi, ví dụ như: Mặt hàng dầu mỡ nhờn, gas, hóa chất, nhựa đường.

Bởi, Nhà nước xác định rõ và quy định xăng chủ yếu phục vụ tiêu dùng, không phải mặt hàng thiết yếu, người dân cần tiết kiệm khi giá tăng cao, hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường… Vì vậy, mặt hàng xăng dầu cần để vận hành tự nhiên theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp cấp thiết.

Về biện pháp cụ thể,Nhà nước quy định giá cơ sở, giá cơ sở có giá trị trong chu kỳ thời gian cố định, trong khoảng thời gian đó, các thương nhân đầu mối điều hành giá bán lẻ trong một giới hạn không vượt quá tỷ lệ % so với giá cơ sở.

Mỗi thương nhân đầu mối có thể quyết định giá bán lẻ trong hệ thống của mình, nhưng khoảng thời gian tối thiểu giữa hai kỳ thay đổi giá nên là 3 ngày. Giữ quỹ bình ổn để cân bằng thị trường khu vực cũng như bảo hộ cho mặt hàng dầu diesel và madzut. Đểgiải quyết vấn đề cũng nên xem xét bỏ bớt các khâu trung gian, nghĩa là bỏ khâu thương nhân phân phối, tổng đại lý.

Nghị định, thông tư về kinh doanh xăng dầu đã quy định: "…Tổ Liên ngành phải thực hiện độc lập trong đề xuất ý kiến nhưng phải phối hợp công tác, trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu; được bảo lưu ý kiến trong quá trình làm việc nhưng phải chấp hành quyết định của lãnh đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Trường hợp ý kiến của hai Bộ khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của Bộ; trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-cung-xang-dau-do-han-che-nhap-khau-va-cang-ban-cang-lo.html