Căn cước công dân đã cấp có được tiếp tục sử dụng từ 1/7?
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Thẻ căn cước gắn chip đã cấp, thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn có giá trị sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trong thẻ.
Ngày 1/7/2024, Luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Vậy những điểm mới trong Luật là gì và đối tượng nào phải cấp lại thẻ căn cước khi Luật có hiệu lực. PV VOV đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những điểm mới của Luật Căn cước khi có hiệu lực?
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh: Chúng ta đều biết rằng, ngày 1/7/2024 Luật Căn cước có hiệu lực. Những chính sách của Luật Căn cước có nhiều điểm mới. Đặc biệt là vấn đề AND, giọng nói và mống mắt. Để triển khai nội dung này thì luật quy định rất rõ. Riêng đối với Mống mắt, chúng ta sẽ thực hiện thu nhận là bắt buộc ngay khi chúng ta đi làm thủ tục cấp căn cước công dân. Tuy nhiên, đối với ADN và giọng nói thì chúng ta sẽ thực hiện theo: Một là người dân có nhu cầu. Hai nữa là, trong những trường hợp quy định của cơ quan chức năng để phục vụ cho công tác quản lý và công tác phòng, chống tội phạm thì chúng ta sẽ kết nối để thu các dữ liệu này. Do vậy, trong quy trình thực hiện thì chúng tôi đã xây dựng để làm sao có một quy trình rất hoàn chỉnh, hoàn thiện để thực hiện quy định này với mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của người dân.
PV: Tới đây, trong thẻ căn cước sẽ bổ sung những trường thông tin mới như trường thông tin về ADN, giọng nói hay mống mắt…Vậy với những trường thông tin bổ sung mới này, chúng ta có quy trình cụ thể như thế nào để thu nhận thưa ông?
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh: Chúng tôi đang xây dựng một quy trình rất cụ thể. Người dân khi thực hiện cấp căn cước như đối với mống mắt, chúng tôi sẽ phải sử dụng thiết bị thu như đối với vân tay. Sau đó sẽ lưu trữ để đảm bảo khi có nhu cầu liên quan đến đối sánh, truy nguyên phục vụ công tác định danh. Đối với quy trình thu AND và quy trình về giọng nói là một quy trình mới theo xu hướng của thế giới cũng như phục vụ cho ngay bản thân của người dân. Do vậy, chúng ta đã thiết kế trong luật và trong quy trình thực hiện để làm sao có một quy trình rất hoàn chỉnh với mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của người dân.
PV: Trong Luật Căn cước quy định một số độ tuổi được cấp căn cước, như cấp căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi, hay những trường hợp từ 6 đến 14 tuổi. Vậy những quy định cụ thể cấp cho từng độ tuổi là gì thưa ông?
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh: Đây là một chính sách rất mới mà sẽ rất thuận lợi đối với người dân. Do vậy, trong luật căn cước đã quy định về vấn đề cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên đây là lựa chọn của bố mẹ, hay của gia đình để làm sao với trường hợp hay đi lại thì sẽ dễ dàng mang đi, rất thuận lợi. Thứ hai nữa là ngay cả trong ứng dụng VNeID thì cũng sẽ tích hợp thông tin của các cháu với tài khoản định danh mức hai của bố mẹ. Đây là cái hết sức thuận lợi cho bố mẹ và các cháu trong quá trình đi lại.
PV: Vậy những trường hợp nào sẽ phải cấp lại thẻ Căn cước khi Luật có hiệu lực thưa ông?
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh: Tất cả thẻ Căn cước công dân đã cấp thì công dân tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn, chỉ đổi khi có vấn đề. Ví dụ như chúng ta mất thẻ thì chúng ta sẽ đi cấp lại thì lúc đấy sẽ được cấp thẻ căn cước. Có nghĩa là, thẻ căn cước mà gắn chip đã cấp, thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn có giá trị sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trong thẻ. Công dân có nhu cầu cấp đổi hoặc cấp đổi theo quy định của pháp luật thì hoàn toàn được cấp thẻ căn cước theo quy trình mới.
PV: Xin cảm ơn ông.