Cần đa dạng các hình thức truyền thông về dân số
Ngày 10-10, Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21-NQ/TƯ cho các phóng viên, cộng tác viên báo chí.
Phát biểu khai mạc, Phó tổng cục Trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, công tác DS-KHHGĐ luôn được sự quan tâm cua Đảng, Nhà nước. Sau khi NQ TƯ 4 ban hành thì những vấn đề của công tác dân số được quan tâm giải quyết. Đến năm 2006 chúng ta kiểm soát mức sinh và đạt mức sinh thay thế, duy trì được hơn 10 năm.
Để đạt được kết quả đó là sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở, các ban ngành, đoàn thể, cán bộ toàn ngành dân số và không thể không nói đến sự vào cuộc hỗ trợ, đóng góp lớn lao của các phóng viên, các cơ quan truyền thông, báo chí trong giải quyết công tác dân số.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ, từ năm 2006 cùng với vấn đề giảm sinh thì phát sinh vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thời gian qua ngành dân số đã quyết liệt giải quyết vần đề mất cân bằng giới tính khi sinh qua các giải pháp đồng bộ như: Truyền thông để nâng cao nhận thức về vấn đề bất bình đẳng giới; hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến vấn đề bất ổn trong xã hội. Nếu chúng ta không giải quyết dứt điểm thì năm 2050 sẽ dư thừa khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới không có cơ hội xây dựng gia đình.
Ngoài ra, vấn đề khác như từ năm 2011 Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo của Tổng Cục thống kê, Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Ở các nước mất 75 -100 năm chuyển từ giai đoạn già hóa sang dân số già thì Việt Nam chỉ mất 15-20 năm. Trong khi đó, hệ thống y tế an sinh xã hội chưa kịp thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó chúng ta chưa phát huy được ưu thế của cơ cấu dân số vàng; vấn đề mang thai vị thành niên, nạo phá thai, sinh con ở tuổi vị thành niên là những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt.
Trước những thách thức đó, BCH Trung ương Đảng đã đưa ra NQ 21 xác định “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KKHGĐ sáng dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yêu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững”.
Tại buổi tập huấn, GS-TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Giảng viên cao cấp của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh, việc lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển được Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh từ nhiều góc độ, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương.
Đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác dân số, tuyên truyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua tuyên truyền, người dân được tiếp cận với các chính sách về dân số của Đảng và Nhà nước, được nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, hướng tới nâng cao chất lượng dân số.
Nghị quyết số 21 đã yêu cầu và chỉ rõ những biện pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số...
Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số.
Theo đó, người dân cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con" để ổn định quy mô dân số; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.
Đồng thời, chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ dân số thông qua đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển…
Cùng đó, phối hợp nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng như truyền thông lưu động, xây dựng pano, khẩu hiệu, băng video, câu lạc bộ (như câu lạc bộ tiền hôn nhân hay không sinh con thứ ba…), lồng ghép đưa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình về cơ sở… đã được áp dụng trên hầu khắp các địa phương trên cả nước, từ thành thị, nông thôn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tiếp cận với mọi đối tượng, từ người Kinh đến người dân tộc thiểu số.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-da-dang-cac-hinh-thuc-truyen-thong-ve-dan-so-165702.html