Cần đa dạng hóa các nguồn tín dụng nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội thảo 'Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững', Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về nguồn vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn và đề xuất các giải pháp quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hệ thống tín dụng ngân hàng hiện đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) nói riêng, chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn. Đến hết tháng 6.2024, dư nợ tín dụng NN-NT đạt 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ nền kinh tế. Tuy nhiên, dù tỷ trọng này cao hơn mức đóng góp 12% của ngành nông nghiệp vào GDP, các nguồn vốn khác như vốn FDI, ODA, và thị trường vốn vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

 TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Đáng chú ý, vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 0,7% tổng FDI vào Việt Nam, và nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2020-2024 chỉ đạt 11 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng đầu tư vào NN-NT so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm từ 5,1% (2011) xuống còn 4,2% (2023).

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực chủ lực về sản xuất nông nghiệp của cả nước, dư nợ tín dụng vùng đến tháng 9.2024 đạt 1,18 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ NN-NT chiếm 54%. Dù tín dụng ngành lúa gạo tại ĐBSCL tăng 18% so với cuối năm 2023, mức tăng trưởng đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp hơn so với nhiều ngành khác.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Tiến sĩ Cấn Văn Lực chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách tín dụng nông nghiệp. Một số doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn do thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh kém khả thi và hạn chế về quản trị. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phát triển NN-NT.

Liên kết giữa các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị nông nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và thu hồi vốn vay. Bảo hiểm nông nghiệp, dù đã có chính sách, nhưng triển khai còn chậm, chưa được nhân rộng.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất một loạt giải pháp, bao gồm:

Đối với Chính phủ và bộ, ngành: Hoàn thiện hệ thống thông tin dự báo về thị trường nông sản, giá cả để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp định hướng sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và tận dụng các FTA thế hệ mới; triển khai hiệu quả các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tài sản bảo đảm vay vốn; tăng cường vốn đầu tư công cho nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa nông thôn.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với lĩnh vực tài chính - tiền tệ: Hỗ trợ các tổ chức tín dụng với nguồn vốn tái cấp ưu đãi, lãi suất thấp; phát triển sản phẩm tín dụng đặc thù, như tài trợ chuỗi cung ứng, tín dụng cho nông nghiệp xanh và nông nghiệp sạch; sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon để gia tăng nguồn lực tài chính từ lĩnh vực này.

Đối với doanh nghiệp và nông dân: Chủ động xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng quản lý và lập phương án kinh doanh khả thi; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng sản xuất và quản trị cho lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp.

Thạc Hiếu lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-da-dang-hoa-cac-nguon-tin-dung-nong-nghiep-huong-den-phat-trien-ben-vung-vung-dong-bang-song-cuu-long-post396679.html