Cần đảm bảo thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh
ĐBP - Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế trên địa bàn tỉnh dẫn đến tình trạng khan hiếm một số mặt hàng thuốc; ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh, khiến người bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi, tốn kém, quyền lợi không được đảm bảo.
Cơ sở y tế khan hiếm thuốc, người dân phải mua thuốc tại nhà thuốc tư nhân.
Tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày giữa tháng 2/2023, người dân xếp hàng dài đăng ký khám chữa bệnh. Khu vực ghế chờ, đông kín bệnh nhân chờ kết quả xét nghiệm. Ông Lò Văn Ch. xã Thanh Yên, huyện Điện Biên chia sẻ: Tôi được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp; hơn 1 năm nay tháng nào tôi cũng phải đến viện kiểm tra, khám định kỳ và lấy thuốc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vì có bảo hiểm y tế, mỗi lần lấy thuốc tôi đều được bảo hiểm chi trả mà không mất tiền. Nhưng trong lần khám định kỳ tháng 1 vừa qua, sau khi cầm đơn thuốc bác sĩ kê ra quầy cấp phát thuốc bảo hiểm y tế của Bệnh viện, nhân viên thông báo thuốc PTU 50mg trong kho tạm thời hết. Để không bị gián đoạn quá trình dùng thuốc tôi đã phải mua thuốc ngoài bệnh viện, hết 270.000 đồng. Hiện tôi đang chờ kết quả xét nghiệm, để bác sĩ tư vấn và kê đơn. Không biết lần này có thiếu thuốc không?
Ông Bùi Quý T (84 tuổi), phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ bệnh nhân chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (E11); bệnh lý tăng huyết áp (I10) đang nhận thuốc tại quầy cấp phát thuốc của bệnh viện chia sẻ: Tháng nào tôi cũng phải vào viện khám định kỳ và lấy thuốc, lần nào cũng được bác sĩ kê đơn, cấp phát thuốc đầy đủ, không phải mua thêm thuốc ở bên ngoài.
Trao đổi về việc đảm bảo cung ứng thuốc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ Bùi Thị Tâm, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Sau đại dịch Covid-19 nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao; công tác đấu thầu thuốc đang gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc, một số loại thuốc tại tuyến huyện bị khan hiếm, nên đa phần bệnh nhân tập trung về tuyến tỉnh; đồng thời, số bệnh nhân chuyển tuyến cũng cao.
Những ngày gần đây, có ngày Bệnh viện nhận chuyển tuyến tới 80 bệnh nhân tiểu đường, đa phần ca bệnh nặng. Ngoài ra số bệnh nhân đến khám và điều trị cũng tăng, trung bình có 450 - 600 bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú/ngày; trên 700 bệnh nhân điều trị nội trú (ngày 8/2 có 766 bệnh nhân điều trị nội trú; ngày 12/2 có 731 bệnh nhân điều trị nội trú). Do đó việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cũng tăng lên trung bình 200 - 300 đơn/ngày.
Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh, Khoa Dược đã tham mưu Ban Giám đốc Bệnh viện xây dựng kế hoạch dự trù cơ số thuốc đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời các loại thuốc khám chữa bệnh. Triển khai việc đấu thầu thuốc, đến nay đơn vị đã hoàn thành trên 75% mặt hàng thuốc; một số mặt hàng thuốc trúng thầu đã được các nhà thầu cung ứng. Đối với các mặt hàng thuốc chưa trúng thầu, hoặc do đấu thầu quốc gia trả về, đơn vị đã triển khai các gói thầu điều chỉnh, dự kiến đến đầu tháng 4/2023 sẽ có thuốc.
Thời gian qua, công tác đấu thầu thuốc và một số mặt hàng thuốc thông qua đàm phán giá gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc tạm thời; chủ yếu các thuốc có nguồn gốc biệt dược, như: DiamiCron (thuốc tiểu đường); Coversy (thuốc điều trị tăng huyết áp); Lipitor (thuốc mỡ máu); Xatral (thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt)… Để khắc phục tình trạng này, đơn vị đã sử dụng các loại thuốc thay thế. Ngoài ra, một số mặt hàng thuốc đã trúng thầu như: Imipenem Cilastatin Kabi hàm lượng 500mg, số lượng 6.696 lọ; Paracetamol nồng độ 1g, số lượng 12.000 lọ,… đơn vị đã yêu cầu Công ty Cổ phần dược liệu TW 2 trúng thầu cung ứng nhưng không cung ứng và cũng không có văn bản giải trình.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay số lượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra mua thuốc tại các hiệu thuốc trên địa bàn thành phố tăng hơn trước. Anh Lò Văn T. chủ một hiệu thuốc trên địa bàn phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: 2 năm sau dịch, lượng người mua thuốc cũng nhiều hơn; đặc biệt thời gian gần đây bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mua thuốc theo đơn tăng hơn so với thời gian trước. Một số loại thuốc thường mua như: Kháng sinh chống viêm, ArdineClov 875/125mg, Tonicmilk, Agichymo 4.2mg H20v… và một số loại thuốc, đạm truyền tại bệnh viện (BISEKO 5%; Efferalgan 50mg; Albumin Human…).
Để bệnh nhân không phải chịu thiệt thòi, tốn kém; quyền lợi không được đảm bảo do khan hiếm thuốc, đặc biệt là những bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, các cơ quan chức năng, Sở Y tế cần có giải pháp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, đảm bảo thuốc vật tư y tế trong công tác khám chữa bệnh. Tránh tiếp diễn tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh công lập thiếu thuốc, khan hiếm thuốc trong khi các quầy thuốc tư nhân vẫn đủ thuốc cung ứng cho bệnh nhân. Với những trường hợp bệnh nhân thuộc diện bảo hiểm chi trả nhưng do thiếu thuốc phải mua thuốc bên ngoài, các cơ quan chức năng, bảo hiểm y tế cần có giải pháp, cơ chế linh hoạt đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Bởi phần đa bệnh nhân thanh toán bảo hiểm y tế là trẻ em, người già, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.