Cần đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động
Từ quý III-2023, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng trở lại và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, ở nhiều nơi, tình trạng thiếu việc làm, giảm việc làm vẫn tồn tại và NLĐ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam diễn ra mới đây đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ.
Mong có việc làm, mức lương đủ sống
Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị là dự thảo báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra vào tháng 12 tới đây.
Theo đó, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các chính sách hợp lý và phù hợp thực tế hoạt động hiện nay, đa số NLĐ đều kiến nghị tăng cường sự quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động và có chính sách đảm bảo việc làm bền vững, ổn định cho công nhân hiện nay.
Theo các cán bộ Công đoàn, vấn đề nhà ở xã hội, việc làm, an sinh xã hội là điều nhiều NLĐ mong đợi. Do đó, Công đoàn cơ sở cần tăng cường công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và xem đây là căn cứ để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trên cơ sở tổng hợp hơn 400 đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, NLĐ qua đại hội Công đoàn các tỉnh và ngành trực thuộc, trong 8 nội dung lớn, có nội dung đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy NLĐ có việc làm bền vững, lương đủ sống và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho NLĐ. Đây là những vấn đề rất sát sườn với đời sống, mong muốn của NLĐ cả nước.
Thực tế, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, vấn đề việc làm, đời sống và chỗ ở của NLĐ đã bộc lộ rõ những bất cập. Trong đó, tình hình NLĐ mất việc làm, bị DN nợ lương, thưởng hoặc thậm chí cho thôi việc trái quy định vẫn xảy ra. Khi bị mất việc, nhiều NLĐ lâm vào cảnh lao đao, không có điểm tựa để bám víu. Chưa kể, NLĐ bị mất quyền lợi chính đáng của mình nếu không may bị DN sa thải khi còn nợ lương, bảo hiểm xã hội.
Anh Lê Ngọc Mạnh (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), một trong những lao động từng tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý cho biết, đầu năm 2022, anh bị công ty cho thôi việc nhưng vẫn còn nợ lương. Mất việc đột ngột, cuộc sống gia đình anh trở nên chật vật hơn.
“Tôi mong Nhà nước có nhiều chính sách bảo vệ việc làm cho NLĐ và cần xử phạt mạnh đối với DN vi phạm pháp luật lao động” - anh Mạnh chia sẻ.
Quan tâm công tác an sinh xã hội
Gửi gắm những mong muốn, tâm tư đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, NLĐ có nhiều ý kiến liên quan đến công tác an sinh xã hội. Trong đó, cần đẩy nhanh đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, bệnh viện nơi có đông công nhân sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm…
Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù nhằm giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ bị nợ bảo hiểm xã hội do DN giải thể, phá sản, chủ DN bỏ trốn hoặc tái cơ cấu… Nhiều lao động cho biết, việc bị nợ bảo hiểm xã hội khiến họ không thể giải quyết mọi quyền lợi cần thiết và thiệt thòi rất nhiều. Vì vậy, NLĐ mong muốn Nhà nước, tổ chức Công đoàn và ngành Bảo hiểm có giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng trên, vì nhiều NLĐ hiện không thể chốt được sổ bảo hiểm sau khi nghỉ việc do DN nợ bảo hiểm xã hội.
Hội nghị Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh lần thứ 2 (khóa XI), nhiệm kỳ 2023-2028 mới đây cũng đã thảo luận nhiều vấn đề nhằm triển khai các nội dung của Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh. Trong đó, tập trung nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh hoạt động thương lượng tập thể về tiền lương, các chế độ phúc lợi; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, tạo điểm tựa vững chắc cho NLĐ.
Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng, việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn, trong đó vai trò Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở cần phát huy mạnh mẽ để làm sao NLĐ được giải quyết thỏa đáng mọi chế độ, chính sách trong quá trình lao động sản xuất. Ngoài ra, cần bám sát tình hình việc làm, đời sống, tư tưởng của NLĐ để giải quyết những phát sinh trong quan hệ lao động. Công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời truyền tải các nội dung liên quan đến pháp luật lao động để NLĐ dễ nhớ, dễ tiếp thu và bảo vệ mình khi bị thiệt thòi về quyền lợi.
Theo LĐLĐ tỉnh, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 tới đây, đoàn đại biểu Công đoàn Đồng Nai sẽ tham gia thảo luận 3 diễn đàn và 1 báo cáo tham luận tại đại hội. Trong đó, tập trung vào các nội dung: nâng cao hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền lợi NLĐ; các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động; nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể tại Công đoàn cơ sở, góp phần ổn định việc làm, tiền lương của NLĐ, xây dựng quan hệ tiến bộ tại DN…
Đây là những nội dung sát với thực tiễn hoạt động, góp phần hoàn thiện các chế độ, chính sách và cải thiện đời sống, việc làm, thu nhập cho NLĐ; đồng thời, xây dựng những phúc lợi tốt hơn, tạo thêm niềm tin, sự kỳ vọng của đoàn viên, NLĐ vào tổ chức Công đoàn.
Ngoài các nội dung trên, Công đoàn Đồng Nai sẽ đề xuất, truyền tải nhiều tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, NLĐ toàn tỉnh gửi gắm đến đại hội, trong đó có vấn đề nhà ở, tiền lương, giải pháp đảm bảo việc làm bền vững…