Cần đánh giá việc trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh

Gần 157.000 trong tổng số hơn 270.000 trẻ trong độ tuổi mầm non tại TP.HCM tham gia chương trình làm quen tiếng Anh, tỷ lệ 57,37%.

Thông tin trên được bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ tại hội thảo đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo Thông tư 50/2020 Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 12-1.

Hơn 1000 đơn vị triển khai cho trẻ làm quen tiếng Anh

Cơ sở giáo dục mầm non trang bị cơ sở vật chất, thiết bị học tập đáp ứng yêu cầu cho trẻ học tiếng Anh như có phòng học riêng, có trang bị máy vi tính, bảng tương tác...

Đến nay, TP.HCM có 1.218 trường mầm non, lớp mẫu giáo độc lập triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Gần 157.000 trong tổng số hơn 270.000 trẻ trong độ tuổi mầm non tham gia chương trình, tỷ lệ 57,37%.

Khoảng 3.200 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh, trong đó có 232 giáo viên bản ngữ, tỷ lệ 7,3%. Hiện có hơn 180 đơn vị đang phối hợp thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.

 Học sinh mầm non hứng thú với phương pháp khảo sát đánh giá việc làm quen với tiếng Anh của EMG. Ảnh: TT

Học sinh mầm non hứng thú với phương pháp khảo sát đánh giá việc làm quen với tiếng Anh của EMG. Ảnh: TT

Đa số các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh 2 buổi/ tuần (8 buổi/tháng), thời gian mỗi buổi dao động từ 25 -40 phút.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp trẻ làm quen sớm với ngôn ngữ thứ 2. Việc học tiếng Anh giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn.

Cần thiết có công cụ đánh giá trẻ làm quen với tiếng Anh

Ông James Moran - Giám đốc học vụ EMG Education cho biết từ tháng 12-2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 50/2020 về chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Đồng thời, Thông tư cũng nêu rõ các hướng dẫn về công tác đánh giá kết quả giáo dục bao gồm mục đích, nội dung và phương pháp và các hình thức đánh giá phù hợp. Điều này cho thấy sự cần thiết có một bộ công cụ khảo sát nhằm đánh giá, thu thập thông tin về khả năng nghe, nói, đọc viết tiếng Anh của trẻ.

Xuyên suốt quá trình xây dựng bộ công cụ đánh giá, EMG Education luôn bám sát các hướng dẫn của Thông tư 50/2020, dựa trên bộ chuẩn đánh giá của quốc tế, chú trọng phát triển công cụ đánh giá phù hợp với lứa tuổi. “Việc đánh giá được thực hiện nhẹ nhàng, thân thiện tạo hứng thú cho trẻ đối với tiếng Anh. Trẻ luôn được ưu tiên tạo điều kiện để thoải mái thể hiện bản thân và trao đổi với giáo viên hướng dẫn trong suốt quá trình đánh giá”, - ông James Moran nhấn mạnh.

 Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NQ

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NQ

Ông James Moran cho biết thêm, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM cũng như theo hướng dẫn về đánh giá của Thông tư 50/2020, tháng 8-2023 EMG Education đã tiến hành thí điểm khảo sát đánh giá kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại 3 trường.

Công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo được thực hiện trên thiết bị máy tính bảng điện tử. Việc kết hợp các tính năng tương tác và các hoạt động trực quan sinh động giúp trẻ có thể duy trì sự chú ý đồng thời khiến cho bài khảo sát trở nên vui vẻ, hứng thú.

Bài khảo sát trên máy tính có những câu hỏi đơn giản nhằm khuyến khích trẻ đưa ra câu trả lời bằng lời nói. Thời lượng ước tính cho mỗi trẻ được đánh giá thông qua quá trình trò chuyện, giao tiếp và thao tác trên máy tính với giáo viên tùy theo độ tuổi. Cụ thể 3-4 tuổi (tối đa 10 phút), trẻ 4-5 tuổi (tối đa 12 phút), trẻ 5-6 tuổi (tối đa 15 phút).

Công cụ đánh giá được thiết kế chú trọng sự thân thiện, nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho trẻ, nhờ đó các bé đã được đánh giá một cách thoải mái và ít căng thẳng trong suốt thời gian diễn ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh cần nhân rộng các mô hình tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh đạt hiểu quả cao. Bên cạnh đó, để học ngôn ngữ thứ 2 thật chuẩn cần tăng cường quản lý, kiểm tra. Mặt khác đã cho trẻ học tập cũng cần quan tâm các phương pháp kiểm tra đánh giá để có cơ sở thực hiện theo chuẩn.

N.Q

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-danh-gia-viec-tre-mam-non-lam-quen-voi-tieng-anh-post771562.html