Cần đánh giá, xếp loại thi đua khách quan, thực chất
Cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị tiến hành đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. 1 năm làm việc, cống hiến sẽ được ghi nhận qua lần xếp loại này. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tiêu chí thi đua, xếp loại đối với cá nhân, tập thể.
Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chuẩn bị bản tự kiểm điểm, nhìn lại những gì mình đã làm được và chưa đạt được trong năm, đối chiếu với các tiêu chuẩn theo quy định, quy chế cơ quan, đơn vị để tự xếp loại. Hội đồng thi đua cơ quan, đơn vị sẽ họp xem xét kỹ lưỡng chất lượng làm việc của từng cá nhân trong tập thể để có đánh giá, xếp loại thi đua chính xác nhất.
Dù vậy, việc xếp loại thi đua cuối năm cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng cào bằng vẫn còn tồn tại trong các cơ quan, đơn vị khi xếp loại một cách qua loa, đại khái, “ai cũng đều tốt cả”, cả nhà cùng vui. Một số nơi có trường hợp “nhường” danh hiệu thi đua. “Nhường” cho cấp trên, “nhường” cho những người cống hiến lâu năm sắp về hưu. Cũng có một số nơi “nuôi danh hiệu”. Một người, một tập thể sẽ được “ưu tiên” trong xếp loại để đạt tiêu chí các danh hiệu thi đua khen thưởng nhằm đảm bảo tính liên tục, được các cấp khen thưởng cao hơn. Ngoài ra, vì e ngại ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể, nhiều nơi còn khá dễ dãi, du di trong thực hiện các hình thức kỷ luật đối với những cá nhân vi phạm quy chế, quy định làm việc.
Một thực tế khác là việc đánh giá, xếp loại đôi lúc ở một số nơi còn thiên về cảm tính, bỏ phiếu bình xét còn theo tình cảm cá nhân nên khó thực chất. Tình trạng này khiến cho công tác xếp loại thi đua, khen thưởng trở nên hình thức, thậm chí triệt tiêu động lực phấn đấu cũng như dễ dẫn đến tình trạng xem thường kỷ luật, quy chế của cơ quan. Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận rằng, chỉ tiêu cho mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các danh hiệu “chiến sĩ thi đua”, hình thức khen thưởng hạn hẹp dễ dẫn đến tâm lý “ngại phấn đấu” vì nghĩ rằng “không đến lượt mình” cũng làm giảm động lực cố gắng của mỗi cá nhân.
Cần phải nhận thức rằng, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa động viên khen thưởng kịp thời và cũng giúp những người chưa hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện bản thân. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế thì việc xếp loại thi đua hàng năm là nhiệm vụ quan trọng.
Vì thế, công tác này cần phải được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, công bằng và dân chủ. Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, chủ tịch hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp vô cùng quan trọng. Bởi những quy định đánh giá, xếp loại các cấp từ Trung ương đến địa phương đã ban hành, quy chế dân chủ cơ sở của cơ quan, đơn vị đã thống nhất ngay từ đầu năm thì việc thực thi có nghiêm túc, đúng định hướng hay không phụ thuộc vào sự quyết đoán của người đứng đầu.
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Trong đó, Chương 3 của Luật là các nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, gồm 18 điều (từ Điều 46 đến Điều 63). Chương này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, bao gồm công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, giám sát.
Như vậy, tính công khai, minh bạch thể hiện rõ trong từng hoạt động cụ thể, trong đó có cả việc đánh giá, xếp loại hàng năm. Từ bản thân mỗi cá nhân phải nhận thức đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như vai trò của mình trong việc được đánh giá, xếp loại thi đua với bản thân và với người khác. Đó cũng là cách để mỗi người nâng cao ý thức phê bình và tự phê bình, công bằng, khách quan đối với bản thân và với đồng nghiệp để có những đánh giá đúng đắn.
Hơn hết, lãnh đạo phòng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là những người “cầm lái” vững chắc trong các cuộc bình xét. Họ phải là những người nắm rõ, hiểu kỹ các quy định, tiêu chí, tỷ lệ cũng như hiểu rõ từng nhiệm vụ cụ thể của mỗi cá nhân trong tập thể để có những quyết định đúng đắn, hợp lý, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao, đồng thời tạo động lực phấn đấu, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của cơ quan, đơn vị.