Cần đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Tham gia góp ý về chủ trương này, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, cho rằng, việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hết sức cần thiết.
Đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đồng tình, ủng hộ cao đối với đề xuất Quốc hội thông qua và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm góp phần giữ vững về an ninh, trật tự, tạo môi trường lành mạnh để người dân phát triển một cách toàn diện.
Đồng thời, đại biểu có một số góp ý cụ thể:
Thứ nhất, đối với dự án 2 về ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng đề ra nội dung này rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc quản lý nhà nước; đồng thời, đáp ứng tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi, như việc sử dụng công nghệ để khoanh vùng, tìm kiếm thông tin đối tượng theo thời gian, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nghi vấn liên quan đến hoạt động tội phạm và tệ nạn ma túy,...
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm theo dự thảo cần phải có giải pháp tăng cường việc ứng dụng công nghệ và triển khai hiệu quả.
Thứ hai, đối với dự án 6 về tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy
Đại biểu Hoàng Uyên cho rằng, việc tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp, điều trị cho người sử dụng ma túy, đặc biệt ma túy tổng hợp là cực kỳ cần thiết, bởi vì hiện nay, dịch vụ chăm sóc điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp còn khoảng trống khá lớn. Theo nghiên cứu năm 2022 của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm thì người sử dụng ma túy nhận được điều trị trên thế giới là 10%, khu vực châu Á chỉ 5%. Vì vậy, cần sẵn có bảo đảm tính riêng tư và dễ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy và gia đình của họ, đặc biệt là người mới sử dụng ma túy.
Theo đại biểu Hoàng Uyên, can thiệp càng sớm, điều trị trong giai đoạn mới sử dụng ma túy thì hiệu quả điều trị từ bỏ được ma túy càng cao. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy như liệu pháp tâm lý, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế, điều trị cắt cơn và điều trị rối loạn tâm thần. Đây là những vấn đề lớn, cực kỳ quan trọng mà chưa được quan tâm đầu tư trong khi nhu cầu xã hội ngày càng nhiều.
Thứ ba, về mục tiêu cụ thể tiểu dự án 2 thuộc dự án 7 về nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục phòng, chống ma túy ở cơ sở
Đối với nội dung: “Trên 70% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trên 10% các cơ sở kinh doanh có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đề nghị Ban soạn thảo cần có nghiên cứu và đánh giá chặt, kỹ lưỡng về tỷ lệ mục tiêu này so với yêu cầu mục tiêu tổng thể của đề án là rất thấp. Bởi vì, các đơn vị hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, dễ phát sinh tội phạm nếu công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát không thường xuyên, không chặt chẽ, hậu quả của tội phạm ma túy đối với kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, sự phát triển giống nòi dân tộc là rất lớn, không thể lường trước.
Trường hợp đủ điều kiện Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc thông qua và triển khai Chương trình góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh xã hội, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; là điều kiện để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước./.