Cần đặt cơ chế đặc thù trong tổng thể vùng
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách
Sáng 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.
Kéo bên này thì sẽ co lại bên kia
Hầu hết đại biểu (ĐB) QH thống nhất cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh nhưng cũng còn nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc.
ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các trung tâm kinh tế đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Do vậy, việc xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách trung ương. Việc tập trung đầu tư vào các địa phương đặc thù sẽ ảnh hưởng đến việc điều tiết và phân bổ ngân sách trung ương đối với các địa phương khác. Hiện nước ta đã áp dụng chính sách đặc thù tại một số địa phương, do đó không nên áp dụng dàn trải quá nhiều nơi khi chưa tổng kết, đánh giá, tránh tình trạng mỗi nơi một chính sách.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lưu ý ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục khó khăn nên việc điều tiết ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách hết sức vất vả. "Phải nói rằng tấm chăn ngân sách nhà nước kéo bên này thì sẽ co lại bên kia" - ông Tạo nói.
ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình việc tạo cơ chế và chính sách về nguồn thu để lại có giảm nguồn thu ngân sách trung ương, nếu có thì bù đắp từ nguồn nào; việc nâng mức dư nợ vay có làm tăng nợ công của quốc gia hay không…
Bổ sung chế tài nếu thực hiện kém hiệu quả
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhất trí QH ban hành nghị quyết nhưng đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí cả chế tài trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
"Nghị quyết này ban hành là cơ hội cho những người lãnh đạo, những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ dám làm. Nhưng đồng thời việc có thêm chế tài, có thêm những quy định trách nhiệm của người đứng đầu để khẳng định với các tỉnh, thành còn lại đây không phải là cơ chế xin - cho, mà là phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù" - ĐB Hạ kiến nghị.
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), điều quan trọng là cần đặt cơ chế, chính sách đặc thù trong tổng thể vùng kinh tế chứ không phải từng tỉnh, riêng lẻ. Nếu nhìn lại 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về trung ương thì chỉ có Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu thì vì sao chúng ta không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng. Việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù chỉ trong ngắn hạn nên hiệu quả có thể sẽ không như mong đợi.
"Chúng ta đồng thuận để thông qua các cơ chế chính sách đặc thù lần này nhưng vẫn mong một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm"- ĐB Phạm Trọng Nhân nói.
Lo lắng tình trạng rút BHXH 1 lần tăng
Chiều 27-10, QH thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) lo ngại số người hưởng BHXH một lần tăng cao, rời khỏi hệ thống an sinh xã hội sẽ gặp khó khăn khi về già. Qua báo cáo năm 2020, 860.741 người hưởng BHXH 1 lần, tăng 53.652 người so với năm 2019. Những người hưởng chế độ BHXH 1 lần tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH 1 lần giai đoạn 2016-2020.
ĐB Sơn đề xuất cần sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt; điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên.