Cần đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa để khai thác phát triển du lịch
Quảng Trị có 500 di tích danh thắng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh. Năm 2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020. Mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2015, 100% di tích của tỉnh được kiểm kê, hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới, khoanh vùng bảo vệ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đến năm 2020, 100% di tích cấp tỉnh hoàn thành việc xây dựng bia, biển; 100% di tích quốc gia đã phân cấp cho cấp huyện quản lý, khai thác sử dụng và một số di tích cấp tỉnh tiêu biểu được đầu tư phục dựng, tôn tạo... Tuy nhiên, do chưa được bố trí đủ kinh phí nên không hoàn thành được các mục tiêu đặt ra trong nghị quyết.
Trước thực trạng đó, từ năm 2016 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chỉ đạo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng (nay là Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh) phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý theo hình thức UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện hồ sơ pháp lý (lập bản đồ và biên bản khoanh vùng bảo vệ đất đai); Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ khoa học (lý lịch khoa học, bản ảnh, bản vẽ kỹ thuật). Đến nay, mới có 135/476 di tích xếp hạng cấp tỉnh được bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học và pháp lý.
Đến cuối năm 2020 mới có 75/476 di tích được đặt bia, biển, xây dựng đài tưởng niệm, lưu niệm. Đối với danh mục di tích quốc gia tiêu biểu được đầu tư từ nguồn vốn trung ương và xã hội hóa (cấp tỉnh quản lý) giai đoạn 2013 - 2020 do Sở VH,TT&DL làm chủ đầu tư mới có 1/7 di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo, đó là hệ thống các công trình khai thác giếng nước cổ Gio An 2,5 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh (theo kế hoạch của UBND tỉnh, kinh phí đầu tư cho 7 di tích này là 11,3 tỉ đồng). Danh mục di tích quốc gia tiêu biểu được đầu tư từ nguồn vốn trung ương và xã hội hóa (cấp tỉnh quản lý) giai đoạn 2013 - 2020 do cấp huyện làm chủ đầu tư thì mới có 1/6 di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo, đó là Di tích Thành Tân Sở 9 tỉ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 4 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 2,2 tỉ đồng, ngân sách huyện, 2,7 tỉ đồng, còn lại là kinh phí từ xã hội hóa (theo kế hoạch của UBND tỉnh 6 di tích này kinh phí đầu tư 11,3 tỉ đồng).
Danh mục các di tích được đầu tư từ nguồn vốn của tỉnh, ngân sách cấp huyện, cấp xã và xã hội hóa giai đoạn 2013 - 2020 do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư thì chủ yếu huy động được từ nguồn xã hội hóa cùng với ngân sách địa phương đã tu bổ, tôn tạo được 54/476 di tích với tổng kinh phí hơn 68,9 tỉ đồng. Các hạng mục còn lại của các di tích quan trọng như: Thành Cổ Quảng Trị, Nhà đày Lao Bảo, Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, căn cứ Dốc Miếu và hàng rào điện tử Mc.Namara trong giai đoạn 2013 - 2020 được đầu tư tôn tạo với kinh phí 75,1 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 30,9 tỉ đồng, còn lại từ nguồn xã hội hóa.
Về công tác nghiên cứu, kiểm kê lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2020 đã hoàn thành 16 hồ sơ. Công tác nâng hạng di tích cấp tỉnh lên di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, trong giai đoạn này có 4 hồ sơ di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt là Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Đã hoàn thành 5 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có 1 di tích đã được xếp hạng đó là di tích các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626). Công tác lập hồ sơ nâng hạng lên di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn chưa triển khai do đang trong quá trình xây dựng dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích.
Giám đốc Sở VH,TT&DL Lê Minh Tuấn cho biết, nguyên nhân chưa đạt được như kế hoạch thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh chủ yếu là di tích lịch sử cách mạng, trải qua thời gian dài nay đã bị xuống cấp, thậm chí nhiều di tích đến nay không tìm thấy dấu tích, không xác định được vị trí tọa lạc hoặc địa điểm tọa lạc nằm trong khu vực đã cấp đất cho dân, các nhân chứng nay tuổi cao sức yếu, nhiều người đã qua đời nên rất khó trong việc bổ sung hoàn thiện hồ sơ khoa học và pháp lý.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư còn khó khăn nên việc đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị thế của di tích. Các địa phương chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện lập hồ sơ khoa học và pháp lý, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa thuộc quyền quản lý.
Mới đây, Sở VH,TT&DL được giao nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025 để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua đề án này làm cơ sở cho các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện. Đề án nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hoang phế và xuống cấp của di tích thông qua việc hoàn thiện công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho hệ thống di tích đã xếp hạng cấp tỉnh; hoàn thành công tác xây dựng bia, biển cho các di tích cấp tỉnh còn lại.
Kết hợp ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa để thực hiện bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, ưu tiên các di tích lịch sử cách mạng và khảo cổ quan trọng, di tích có tác động trực tiếp đến giáo dục truyền thống cách mạng và các di tích phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án hơn 43,7 tỉ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa hơn 4,8 tỉ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và huyện.