Cần đầu tư cho khảo cổ học dưới nước
Việt Nam là một trong các quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước, nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực này. Khảo cổ học dưới nước vẫn còn 'non trẻ' và cần sự đầu tư cả về nguồn nhân lực và phương tiện, thiết bị phục vụ nghiên cứu.
Việt Nam là một trong các quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước, nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực này. Khảo cổ học dưới nước vẫn còn "non trẻ" và cần sự đầu tư cả về nguồn nhân lực và phương tiện, thiết bị phục vụ nghiên cứu.
Những năm qua, ngành khảo cổ học có nhiều phát hiện mới được ghi nhận, đóng góp vào sự nghiệp phục dựng, soi sáng lịch sử, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tại hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54, ban tổ chức đã nhận được 360 tham luận, gồm: 95 bài về khảo cổ học Tiền sử, 206 bài khảo cổ học lịch sử, 43 bài khảo cổ học Champa - Óc Eo, năm bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu, 11 bài khảo cổ học dưới nước. Từ số liệu trên, có thể thấy, số lượng di chỉ, di sản văn hóa dưới nước còn hạn chế. Bởi những cuộc điều tra, khảo sát khảo cổ học dưới nước còn rất ít, mặc dù dưới nước có thể tồn tại hàng nghìn di tích.
Quay trở lại những năm 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học đã khai quật và phát hiện con tàu dài 32,71 m, rộng 9 m cùng hàng nghìn hiện vật khác nhau tại vùng biển Vũng Tàu. Tại vùng biển Bình Châu (Quảng Ninh) đã phát hiện dấu vết của một chiếc thuyền gỗ ở độ sâu 9,2 m và thu được nhiều đồ gốm men Trung Quốc từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19 - 20… Tuy nhiên, phần lớn những con tàu cổ bị đắm đều do ngư dân địa phương phát hiện và công ty tư nhân trục vớt cho nên tình trạng lấy cắp cổ vật ở các địa phương đã và đang diễn ra một cách phức tạp. PGS, TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, các nước trong khu vực đã đầu tư lớn cho lĩnh vực khảo cổ học dưới nước, trong khi đó, ở nước ta, cơ sở vật chất và thiết bị hiện nay còn khiêm tốn, kể cả việc triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu còn khó khăn.
Khảo cổ học dưới nước đòi hỏi nguồn kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng, thiết bị; kinh phí hoạt động hằng năm, bảo quản di tích, di vật và chi phí đào tạo con người. Do không có đội ngũ, không có cơ quan chuyên môn về khảo cổ học dưới nước, nên hầu hết công trình khai quật từ trước tới nay đều là sự kết hợp với các công ty ở trong hoặc ngoài nước. Mặt khác, vấn nạn trục vớt trái phép các di vật, làm ảnh hưởng xấu đến các di tích đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí có những đối tượng tiến công cả lực lượng bảo vệ. Di vật cổ từ các tàu đắm được mua bán, trao đổi trôi nổi trên thị trường, không có liên hệ gì với các di tích nơi chúng được lấy lên. Ngay một số cuộc khai quật tàu đắm, để có kinh phí khai quật, một số lượng đáng kể di vật đã được mang đi bán đấu giá trên thị trường quốc tế. Ðây là những mất mát lớn cho nghiên cứu khoa học và cũng là sự tiếc nuối cho mỗi người Việt Nam đối với việc mất đi những mảng lịch sử của dân tộc.
Theo các nhà khảo cổ học, đã đến lúc Nhà nước cũng như cơ quan chức năng cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho khảo cổ học dưới nước; đầu tư trang thiết bị cần thiết để hoạt động có hệ thống, bài bản. Trên cơ sở đó tiến hành điều tra, khảo sát, lập bản đồ trữ lượng về di tích khảo cổ học dưới nước trên phạm vi toàn quốc. Quan tâm công tác giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân tại các vùng biển có tàu cổ đắm về giá trị của di sản văn hóa dưới nước, gắn với việc bảo tồn, khai thác du lịch nhằm giúp họ cải thiện đời sống. Ðồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng trục vớt trái phép các di tích, di vật dưới nước; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật đang diễn ra tại một số địa phương...
TS Trần Thị Thu Nhung, Trường đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: Khảo cổ học dưới nước đòi hỏi đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực, ngoài kiến thức chuyên môn còn phải biết vẽ hải đồ, dòng chảy trên biển, bơi lặn thám hiểm dưới nước. Khảo cổ học dưới nước cần có sự hợp tác, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đơn vị kỹ thuật trong và ngoài nước. Cần có nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, hợp tác nghiên cứu theo hình thức các đề tài, dự án, nghị định thư với các nước khác nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về học thuật. Mặt khác, coi trọng sự phối hợp các đơn vị có thế mạnh về tàu thuyền, thiết bị dưới nước để tổ chức các cuộc điều tra, khám phá và trục vớt các di sản văn hóa dưới nước. Tại các trường đại học, cao đẳng, ngành khảo cổ cần xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy về khảo cổ học dưới nước cho sinh viên.
Muốn tạo đà và duy trì cho sự phát triển của chuyên ngành khảo cổ học dưới nước, cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước trẻ, làm việc tại cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hoạt động bằng ngân sách nhà nước với mục đích khoa học, phi thương mại. Cùng với đó, thành lập Viện Nghiên cứu di sản về biển, viện nghiên cứu này là một cơ chế tổ chức phức hợp, ngoài trung tâm khảo cổ học dưới nước, bảo tàng, còn có những trung tâm nghiên cứu về thương mại bằng tàu thuyền, trung tâm bảo quản, lưu trữ… Từ đó ngành khảo cổ học sẽ phát triển đúng với tiềm năng vốn có nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dưới nước tại các vùng sông, biển trên lãnh thổ nước ta.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/can-dau-tu-cho-khao-co-hoc-duoi-nuoc-636019/