Cần đầu tư tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển
Việc xây dựng và hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh..., do đó, những năm qua, Quảng Bình đặc biệt quan tâm chú trọng đầu tư.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên tại các KKT, KCN, đa số cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng hoàn thiện theo hướng đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như tốc độ phát triển.
*Nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu thực tế
Xác định nhu cầu đầu tư để thực hiện đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng tại các KKT, KCN là khá lớn, cần phải huy động tổng hợp từ nhiều nguồn vốn, Ban Quản lý KKT đã có nhiều hoạt động trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn chưa có các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các KCN, KKT. Trong khi đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng một số KKT, KCN chưa đồng bộ do nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 còn hạn hẹp, phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Trung ương hỗ trợ và một phần ngân sách địa phương.
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT cho biết: "Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Quản lý KKT không được bố trí vốn để khởi công các dự án mới. Do đó, hạ tầng kỹ thuật trong các KKT, KCN còn thiếu đồng bộ, một số tuyến đường trục chính chưa được đầu tư…, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các dự án đầu tư vào KKT, KCN. Năm 2020, vốn bố trí cho việc đầu tư hạ tầng tại các KCN, KKT là 34,451 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 15,35 tỷ đồng). Nguồn vốn bố trí này thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Năm 2021, Ban Quản lý KKT không có dự án khởi công mới, chỉ triển khai 2 dự án chuyển tiếp từ năm trước qua là: hạ tầng Khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo-giai đoạn 2 và dự án trục nối từ Quốc lộ 1A đoạn đường tránh TP.Đồng Hới với cổng chính KCN Tây Bắc Quán Hàu. Số vốn bố trí năm 2021 là 68,051 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 48,951 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 19,1 tỷ đồng)".
Điển hình, KKT Hòn La là khu vực nằm trong Quy hoạch Xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình theo Quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 2-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ; KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 9 KKT cửa khẩu trọng điểm được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên,hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu chức năng đang đầu tư nhưng chưa được đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển thực tế. Nguồn vốn ngân sách hàng năm đầu tư tại đây rất ít, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, cũng như làm giảm một phần tốc độ tăng trưởng của các KKT này.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, 3 dự án đã được phê duyệt nhưng không được khởi công do thiếu vốn đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư.
*Tiếp tục huy động tổng lực các nguồn vốn
Để góp phần xây dựng và hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các KKT, KCN, ông Phạm Tiến Duật cho biết, Ban sẽ tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tham mưu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành phê duyệt Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KKT, KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất và hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tập trung huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, BT, BOT, hình thức hợp tác công tư PPP...) để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KKT, KCN.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư khó khăn hiện nay, Ban đã xây dựng chiến lược, định hướng, kế hoạch thu hút đầu tư và vận động xúc tiến đầu tư cụ thể, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, cấp bách. Trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KKT, KCN nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư.
Cụ thể, ưu tiên đầu tư những dự án mới cần thiết để bảo đảm đồng bộ với hệ thống hạ tầng đã đầu tư, đưa vào sử dụng hiệu quả, như: hệ thống các trục đường giao thông, khu hạ tầng ngoài hàng rào ở KCN Cam Liên; các trục đường chính KCN Bang; nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Tây Bắc và Bắc Đồng Hới; các trục đường giao thông KCN Tây Bắc Quán Hàu; hệ thống giao thông trục chính KKT Hòn La; hạ tầng kỹ thuật mở rộng KCN Cảng biển Hòn La.
Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng KCN, khu chức năng trong các KKT; dự án hạ tầng khu thương mại dịch vụ ngã ba Khe Ve; hạ tầng các cụm tiểu thủ công nghiệp Hóa Tiến; các điểm dịch vụ dọc Quốc lộ 12A; các điểm thương mại, dịch vụ dọc hành lang Quốc lộ 12C; xây dựng nhà văn hóa, thể thao công nhân ở tại KKT, KCN theo chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Cũng theo ông Phạm Tiến Duật, việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để triển khai các công trình, dự án phát triển hạ tầng các KKT, KCN thời gian qua cơ bản được sử dụng đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả. Nhằm phù hợp với thực tế phát triển, Ban cũng đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh lại công tác quy hoạch của các KKT, KCN.
Trong đó, tập trung vào việc hoàn thành các quy hoạch khu chức năng, bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch chung KKT, KCN và lợi ích của địa phương nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Bên cạnh đó, Ban cũng đang tích cực triển khai nhằm tạo mặt bằng thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KKT, KCN theo Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1919/KH-UBND của UBND tỉnh. Trước mắt, đề nghị bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn để phục vụ giải phóng mặt bằng trong KKT, KCN; UBND tỉnh quan tâm phân bổ lại 80% nguồn thu phí sử dụng bến bãi đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa qua KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo thực nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm bố trí vốn cho Ban để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong KKT, KCN theo Nghị quyết HĐND tỉnh và Quyết định số 4666/QĐ-UBND, ngày 25-12-2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu về kết cấu hạ tầng trong khu vực KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo.