Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng

Chiều ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án 'Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020' theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 281).

Tới dự Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phùng Xuân Nhạ,Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Đề án 281, đồng chí Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Đề án 281 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/2/2014 nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng, triển khai 4 mô hình (gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập), góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản, tổ dân phố học tập và đơn vị học tập trên địa bàn là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển, từ đó góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa. Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phát triển và đã phủ kín gần 100% xã, phường, thị trấn. Cả nước hiện có hơn 11.000 trung tâm, bình quân mỗi năm có gần 20 triệu lượt người đến học tập.

Chỉ tiêu phấn đấu về các mô hình học tập của các địa phương đều đạt và vượt từ 2% đến 35%, trong đó, tỷ lệ gia đình học tập đạt 71,77%; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51%; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38%; tỷ lệ đơn vị học tập đạt 85,73%.

Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có tỷ lệ các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt các danh hiệu học tập tăng từ 10% đến 20% so với năm 2020; tập trung phát triển tổ chức hội khuyến học và hội viên trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu; xây dựng và phát triển mô hình “Công dân học tập”.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định những kết quả, thành tựu của ngành giáo dục không thể thiếu vai trò, sự đóng góp của các cấp hội khuyến học trong cả nước. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chỉ đạo được nhân dân ủng hộ, phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc và xu hướng của thế giới.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến học tại nhiều địa phương chưa phát triển do phong trào khuyến học chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Để đẩy mạnh sự phát triển của phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị, địa phương thống nhất nhận thức về việc triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát triển mạnh các mô hình học tập, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Quang cảnh Hội nghị (ảnh DP)

Quang cảnh Hội nghị (ảnh DP)

Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không phải là nhiệm vụ của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Đề án Mô hình công dân học tập sẽ được trình Chính phủ vào quý 3/2021, do đó, các cấp Hội Khuyến học cần sớm xây dựng, hoàn thành Đề án này để có những phương hướng, hoạt động cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.

Duy Phong

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/can-day-manh-hon-nua-phong-trao-hoc-tap-suot-doi-trong-gia-dinh-dong-ho-cong-dong-130966