Cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá

Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2020 thế giới có 8 triệu người tử vong vì thuốc lá và các vấn đề liên quan đến thuốc lá. Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với khoảng 15 triệu người hút thuốc; 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hút thuốc thụ động.

Trước những tác hại và thiệt hại từ thuốc lá, trong những năm gần đây, cùng với sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào năm 2012, công tác tuyên truyền đã được các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông hết sức coi trọng, đặc biệt là nâng cao nhận thức của mỗi người. Theo đó, đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định cấm hút thuốc nơi công cộng; quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá…

Tính đến nay, trong cả nước đã có 100% tỉnh, thành phố đã lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Số lượng các đơn vị xây dựng môi trường không khói thuốc đã đạt con số đáng khích lệ: 1.560 cơ quan hành chính; 3.778 trường mẫu giáo; 3.577 trường tiểu học; 2.502 trường trung học cơ sở; 1.010 trường trung học phổ thông; 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 169 trường đại học, cao đẳng; 208 công ty xe khách; 4.442 nhà máy, xí nghiệp; 305 nhà hàng; 400 khách sạn.

Bên cạnh đó các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.

Việc triển khai phòng chống tác hại của thuốc lá có nhiều thuận lợi từ các chính sách cụ thể như: Luật phòng chống tác hại thuốc lá ban hành kèm theo đó là các Nghị định hướng dẫn triển khai trong nhiều năm qua. Chương trình có sự tham gia của các bộ, ban, ngành của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, các bộ, ban, ngành cũng có Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá.

Trong Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, các địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, các nơi làm việc trong nhà của nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng; quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá.

Trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết và nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá.

T/h

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-149387.html