Cần đẩy nhanh việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thôn A Dơi Đớ

Sau gần 2 năm được nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, đến thời điểm này vẫn còn gần 200 người dân thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh mà còn không đảm bảo quyền lợi của người dân.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tầng tuyên truyền pháp luật đến người dân thôn A Dơi Đớ sau khi được nhận quốc tịch Việt Nam - Ảnh: LA

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tầng tuyên truyền pháp luật đến người dân thôn A Dơi Đớ sau khi được nhận quốc tịch Việt Nam - Ảnh: LA

Nhận quyết định nhập quốc tịch của Chủ tịch nước năm 2018, có đầy đủ các giấy tờ khác như giấy chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu… nhưng đến nay ông Hồ Văn Ngồ (sinh năm 1946) ở tại thôn A Dơi Đớ vẫn chưa được cấp thẻ BHYT, trong khi ông thuộc đối tượng được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Điều này làm ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngồ cho biết, do tuổi đã cao nên ông thường xuyên đau ốm. Tuy nhiên do không có thẻ BHYT nên ông không được hỗ trợ gì về việc khám chữa bệnh, phải tự trả tiền viện phí, tự bỏ tiền để mua thuốc uống. Theo ông Ngồ, mặc dù ông đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu để được cấp thẻ BHYT như nộp bản sao giấy CMND, sổ hộ khẩu, quyết định nhập quốc tịch nhưng không biết do vướng mắc ở chỗ nào mà đến nay ông vẫn chưa được cấp thẻ BHYT.

Tương tự như ông Ngồ, ông Hồ Văn Thèn cũng ở tại thôn A Dơi Đớ cho biết, sau 2 năm được nhận quốc tịch Việt Nam nhưng đến thời điểm này toàn bộ gia đình ông vẫn chưa được cấp thẻ BHYT. Ông Thèn cho hay, theo yêu cầu của UBND xã A Dơi ông đã nộp đủ các giấy tờ như quyết định nhập quốc tịch, giấy CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… “Không có thẻ BHYT nên đau ốm đi bệnh viện không được hỗ trợ, thuốc uống cũng phải tự bỏ tiền mua. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân trong thôn cũng không có thẻ BHYT. Mọi người đã kiến nghị với UBND xã nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Thèn buồn bã nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi xác nhận trong tổng số 240 người ở thôn A Dơi Đớ được nhập quốc tịch Việt Nam trong 2 năm 2018 và 2019 hiện chỉ mới có khoảng 50 người có thẻ BHYT, còn lại gần 190 người hiện vẫn chưa được Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Hướng Hóa cấp thẻ BHYT. Theo ông Cách, nguyên nhân của sự chậm trễ này do có sự thay đổi trong việc lập danh sách theo mẫu của BHXH dẫn đến kéo dài thời gian. Ông Cách cho biết, hiện nay UBND xã đang tập trung rà soát, đối chiếu đối với những trường hợp có sự thay đổi về thẻ BHYT trên địa bàn xã; lập danh sách theo mẫu của BHXH huyện, yêu cầu người dân bổ sung, hoàn thiện những giấy tờ còn thiếu đối với các trường hợp chưa có thẻ BHYT, đặc biệt là người dân được nhập quốc tịch Việt Nam tại thôn A Dơi Đớ. “Dự kiến trong vài ngày tới UBND xã sẽ thực hiện xong việc rà soát, lập danh sách này trình Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và BHXH huyện thẩm định, phê duyệt và cấp mới thẻ BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Cách cho hay.

Ông Lê Văn Chuyên, Giám đốc BHXH huyện Hướng Hóa cho biết, trong quy trình lập danh sách các đối tượng hưởng BHYT, đối với các trường hợp người dân được nhận quốc tịch Việt Nam ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi để được cấp thẻ BHYT thì UBND xã A Dơi phải lập danh sách theo mẫu của BHXH kèm theo quyết định nhập quốc tịch của từng người gửi Phòng LĐ-TB&XH rà soát, phê duyệt. Sau khi Phòng LĐTB&XH phê duyệt danh sách, BHXH huyện mới tiếp nhận hồ sơ và cấp thẻ BHYT cho người dân. Ngoài ra, nếu các trường hợp này chưa được cấp mã số hộ gia đình thì cần tiến hành kê khai và nộp bản sao sổ hộ khẩu, giấy CMND, giấy khai sinh để được cấp mã số theo đúng quy định. Theo ông Chuyên, để đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng cho người dân thôn A Dơi Đớ trong việc cấp thẻ BHYT, ông đã chỉ đạo Bộ phận một cửa của BHXH huyện trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của người dân chứ không cần phải chuyển qua bưu điện, tránh lòng vòng, mất thời gian. “Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ BHXH huyện sẽ tiến hành cấp mới thẻ BHYT cho người dân thôn A Dơi Đớ theo đúng quy định là trong vòng 5 ngày”, ông Chuyên khẳng định.

Cũng theo ông Chuyên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và đúng quy định của BHXH, hằng năm BHXH huyện đều chuyển danh sách của năm trước cho UBND các xã, thị trấn để rà soát, đối chiếu; căn cứ tình hình thực tế để cắt giảm, bổ sung, sửa đổi danh sách. Cách làm này nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế sai sót khi nhập dữ liệu về đối tượng hưởng BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong hoạt động cấp phát thẻ BHYT. Đó là việc lập danh sách tại các xã, thị trấn còn chậm, còn sai sót về họ tên, năm sinh, giới tính, thiếu ngày tháng sinh…; nhiều nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, do địa bàn khó khăn nên một số địa phương sau khi nhận thẻ BHYT đã không chuyển đến tay đối tượng kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng khi đi khám chữa bệnh. Do đó, ông Chuyên cho rằng, để làm tốt công tác cấp mới, cấp đổi thẻ BHYT cần nâng cao trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn, cơ quan chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách tham gia BHYT, hạn chế sai sót; đối chiếu thông tin khi lập danh sách và khi cấp thẻ BHYT để đảm bảo chính xác, đúng với các giấy tờ liên quan khi đi khám chữa bệnh; tổ chức cấp phát thẻ BHYT kịp thời cho đối tượng thụ hưởng. Đồng thời cần tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BHYT để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ, kê khai kịp thời, chính xác thông tin do chữ viết, cách đọc có thể khác nhau, gây nhầm lẫn; một người có thể sử dụng nhiều tên không trùng khớp với giấy tờ tùy thân...

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151220