Cán đích 700 tỷ USD, xuất nhập khẩu - điểm sáng kinh tế 2022
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 700,23 tỷ USD. Đây là cột mốc mới ghi dấu về quy mô thương mại trên phạm vi toàn cầu.
Điểm sáng xuất nhập khẩu năm nay phải kể đến nhóm nông lâm thủy sản với sự bứt tốc ấn tượng, 11 tháng đầu năm đã đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và dự báo tháng 12 sẽ tiếp tục đà tăng. Trong đó, chuối và sầu riêng là 2 mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất lên đến hơn 200% về giá trị...
Như với sầu riêng, với 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đã mang về kim ngạch hơn 350 triệu USD chỉ trong 2 tháng. Vì vậy, loại trái cây này được kì vọng trở thành mặt hàng tỷ đô trong năm sau.
Ngoài ra, việc bưởi có điều kiện xuất sang Mỹ và New Zeland, nhãn đi Nhật Bản cũng đang tạo ra bức tranh sáng màu cho ngành rau quả Việt Nam trong năm sau.
Bên cạnh đó, dệt may, da giày cũng là nhóm ngành xuất khẩu tỷ USD được kỳ vọng sẽ có điểm nhấn ấn tượng trong năm nay. Số liệu cho thấy xuất khẩu dệt may trong 10 tháng năm nay đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021, và mục tiêu 42 tỷ USD cho cả năm nay là khả thi.
Tuy nhiên tình hình lạm phát tại các thị trường lớn đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Song “cái khó ló cái khôn”, các doanh nghiệp đã gấp rút lên kế hoạch xuất khẩu cho năm tới.
Như tại Công ty May Tinh Lợi, nếu như vào thời điểm này mọi năm, những chuyền vải này hoạt động hết công suất để chuẩn bị cho đơn đặt hàng vào quý 1, quý 2 của năm tới. Nhưng năm nay, câu chuyện có phần khác biệt. Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, lượng đơn đặt hàng vào quý I năm sau giảm 20-30%. Để đảm bảo hoạt động nhà máy và đời sống của người lao động, doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp.
“Đến thời điểm này, chúng tôi mới nghĩ đến tìm khách hàng trong nước nhưng May Tinh Lợi cũng đặt ra định hướng sẽ tìm khách hàng mà có thể là đối tác lâu dài ở những năm tiếp theo”, ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc tài chính Công ty May Tinh Lợi cho biết.
Trước đây, ngay cả với nhãn hàng thời trang cao cấp, thì các doanh nghiệp dệt may cũng nhận những đơn hàng từ 5.000 - 10.000 sản phẩm/mẫu. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều mẫu của các thương hiệu quốc tế lớn đang đặt dưới 1.000 sản phẩm. Thời điểm này, đây được xem là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp có đơn hàng.
Còn đối với ngành da giày, như theo đại diện Công ty Giày Viễn Thịnh, thay vì bị động ngồi chờ đối tác đến ký hợp đồng, với cách làm chủ động đến với khách hàng đã đem lại hiệu quả lớn.
“Trước đây nhà máy chờ khách hàng đến để ký hợp đồng, để có đơn hàng, thì nay chúng tôi đã phải chủ động bay đi các nước để đàm phán và đưa ra những mẫu mã và giá thành hợp lý, qua đó để khách hàng thấy được những sản phẩm thực tế của chúng ta và đặt hàng”, ông Trần Thế Linh - Tổng Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh cho biết.
Nhận định được các khó khăn chủ yếu đến từ các thị trường nhập khẩu, một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương đang triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp là tăng cường sự kết nối thông tin thông qua các kênh xúc tiến thương mại
“Trong thời gian qua, Bộ Công Thương bắt đầu triển khai giao ban với các Tham tán Thương mại ở các thị trường, cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp. Đây là hoạt động mới được triển khai, tạo điều kiện cho Tham tán cung cấp thông tin thị trường sở tại, doanh nghiệp cũng phản ánh kiến nghị, nhu cầu”, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho thông tin.
Dấu ấn 7 năm xuất siêu liên tiếp
Theo Bộ Công Thương, hiện nay dịch COVID-19 cũng đã được kiểm soát, hầu hết các thị trường trên thế giới hiện nay đã nới lỏng và trở lại bình thường. Bên cạnh đó chi phí logistic đặc biệt là chi phí vận tải biển giảm xuống cũng phần nào giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế hơn trong việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng năm tới.
Năm 2022, xuất siêu có thể đạt trên 10 tỷ USD, đồng nghĩa với dấu ấn Việt Nam xuất siêu 7 năm liên tiếp. Đáng chú ý, 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong số này có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
Thủy sản khi lần đầu tiên xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD trong 11 tháng Dệt may, da giày cũng lần lượt cán đích. Đây là những tín hiệu tích cực, làm nền tảng duy trì mục tiêu xuất khẩu của Chính Phủ, là căn cứ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư bài bản, gia tăng giá trị đơn hàng.
Với sự sát sao và quyết liệt trong chỉ đạo, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động tổng thể để thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo VTV.vn