Cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại di động đúng cách

là thông điệp từ tọa đàm 'Học sinh được sử dụng điện thoại- Nên hay không?' diễn ra ngày 25/9, do Báo Tiền Phong phối hợp cùng với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường THPT Hùng Vương tổ chức.

Nhiều ý kiến, nhiều góc độ mang tính xây dựng cao

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm nhà báo Lê Xuân Sơn- Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học nếu giáo viên đồng ý đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt.

Khi Thông tư này ra đời, phản ứng đầu tiên là người dân có vẻ không tán thành. Chúng tôi cũng bỏ công tìm hiểu thì nhận thấy hầu hết các ý kiến đồng ý cho rằng, điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh học hỏi được nhiều kiến thức quý báu. Do đó, chúng ta cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại di động đúng cách.

Nhà báo Lê Xuân Sơn- Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu mở đầu buổi tọa đàm.

"Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối lại cho rằng, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, do bị phân tâm trong giờ học, lười vận động, chát chít. Ngoài ra, học sinh giao lưu trên mạng, dễ nảy sinh tình trạng bắt nạt, ẩu đả…

Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy ý kiến phản đối đều xuất phát từ việc học sinh được sử dụng điện thoại di động mà chưa hiểu là phải được sự đồng ý của giáo viên. Báo Tiền Phong nhận thấy cần phải có sự nghiên cứu, thảo luận dưới nhiều góc độ khác nhau để cùng nhau có góc nhìn thấu đáo", nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

Theo cô Lê Thị Phượng, Hiệu phó trường THPT Nguyễn An Ninh: "Hiện tại, trường THPT Nguyễn An Ninh cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng cũng có ngoại lệ như tiết học tiếng Anh thì cho học sinh dùng".

Trao đổi về quản lý việc có hay không để cho học sinh dử dụng điện thoại, cô Phượng cho rằng để sử dụng điện thoại hiệu quả thì quan trọng tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới quản lý của giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, tự trau dồi để thích nghi.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, về mặt nguyên tắc, Thông tư 32 cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, tuy nhiên, Thông tư 32 Bộ cũng giao quyền cho phép việc sử dụng điện thoại trong giờ học cho giáo viên. Ở đây, không có sự mâu thuẫn nào trong quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ là Bộ giao quyền cho giáo viên đứng lớp quyết định.

“Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có 2 nước là cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm cho học sinh sử dụng”- PGS Hoài Phương dẫn chứng.

"Điện thoại thông minh hay ngu ngốc, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng"

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM cho biết: “Hãy biến thách thức thành cơ hội. Điện thoại thông minh hay ngu ngốc, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng. Ở nơi công cộng, mọi người thường cắm mặt vào điện thoại. Người Việt dám bỏ ra gấp 5 lần thu nhập của mình để mua điện thoại thông minh nhưng sử dụng thì chưa thông minh”.

Chia sẻ thêm về việc sử dụng điện thoại thông minh an toàn, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu phân tích có 3 nhóm giải pháp, đó là: Tự thân các bạn học sinh, tập thể quản lý, người lớn nhắc nhở. Ngoài ra, còn có 7 aap để quản lý việc sử dụng điện thoại, mà tất cả đều miễn phí. “Một ngày tôi mặc định chỉ lên Facebook 30 phút thôi thì sau 30 phút đó, điện thoại của tôi không lướt Facebook được nữa. Không có điện thoại nào thông minh hay ngu ngốc, tất cả chỉ là do mình sử dụng”- bà Quyên đúc kết.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM.

Nhấn mạnh đến mặt tích cực của điện thoại thông minh, thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương chia sẻ: "Khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Tuy nhiên, thời gian để các em sử dụng điện thoại để phục vụ học tập là nhiều hay ít hơn các hoạt động khác như xem phim, lướt Facebook mới là điều đáng quan tâm. Nếu các em sử dụng điện thoại để phục vụ giải trí nhiều hơn thì nên tự xem lại mình".

Còn theo ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT nói rằng Thông tư 32 tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào, tùy vào các trường. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có phát ngôn chính thức về vấn đề này, bởi nó liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ GD-ĐT đã tham vấn các nhà chuyên môn, chuyên gia…rất kỹ.

Tại buổi tọa đàm các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý, xã hội học; lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM; giáo viên, học sinh các trường phổ thông đã cùng nhau nêu ý kiến, phân tích mặt tích cực và tiêu cực, quy định quản lý ra sao nếu sử dụng…Các em học sinh cũng được trao đổi trực tiếp các nội dung tại tọa đàm. Báo Tiền phong cũng lấy ý kiến thăm dò có nên cho học sinh dùng điện thoại trong lớp học?...

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-dinh-huong-huong-dan-cho-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-di-dong-dung-cach-post98448.html