Cân đối bữa ăn trong ngày Tết
Sự đa dạng và hấp dẫn của các món ăn dịp tết là điều khó lòng cưỡng lại được. Bằng một chút chú ý và tiết chế chúng ta vẫn có thể tận hưởng món ngon ngày xuân và có một mùa xuân an khang trọn vẹn.
Tết Nguyên đán hàng năm là dịp được nghỉ dài ngày, lại có nhiều đồ ăn nhiều năng lượng như: Bánh chưng, thịt kho, giò chả, kẹo, mứt… cùng với tâm lý “xả hơi” và lịch trình tiệc tùng dày đặc. Nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng dẫn đến ăn dư thừa năng lượng nhưng lại không cân đối các thành phần trong dịp này là rất lớn. Thêm vào đó mức độ vận động của cơ thể thường giảm dẫn đến nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm tương ứng. Sự tác động đồng thời của sự gia tăng mức nạp vào và hạn chế lượng tiêu hao dễ dẫn đến tình trạng tăng cân cũng như nguy cơ bệnh lý đi kèm khác.
Dinh dưỡng hợp lý
Để không bỏ lỡ niềm vui dịp đầu xuân mà cân nặng vẫn đảm bảo bạn cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như ăn đủ bữa, không bỏ bữa, hạn chế ăn vặt, không ăn quá khuya đồng thời cần xây dựng một chế độ ăn cân đối và phù hợp theo thể trạng cũng như các vấn đề bệnh lý của mỗi người.
Với một người khỏe mạnh, các bữa cơm gia đình ngày Tết hay đi dự tiệc, ăn cỗ… phải ăn đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, chất xơ và uống đủ nước, có như vậy cơ thể mới hấp thu đầy đủ dưỡng chất, giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất với hiệu ứng nhiệt của thực phẩm. Ăn có chừng mực các loại thực phẩm có năng lượng cao như, chả giò, giò thủ, giò mỡ, lạp xưởng, vịt lạp, thịt ba rọi, bánh chưng, bánh tét… Một miếng bánh chưng, bánh tét nhỏ có thể chứa lượng năng lượng tương đương một bát cơm. Nên ăn tăng cường thêm nhiều rau xanh để giúp cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cũng như cung cấp chất xơ cho hệ tiêu hóa.
Với các món bánh kẹo, mứt chỉ nên nhâm nhi vài miếng cho vui vì hầu hết các loại bánh mứt, kẹo có chứa nhiều đường, lại rất ít chất xơ. Bạn có thể ăn các loại hạt như hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt sen, những thứ này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn vừa có nhiều chất béo chưa bão hòa, nhiều chất khoáng tốt tốt cho sức khỏe, hạn chế được việc hấp thu đường vào cơ thể quá nhiều. Đối với bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế ăn mứt, bánh, kẹo cũng như các lại đồ uống, thực phẩm có nhiều đường vì dễ gây tăng đường huyết khó kiểm soát.
Với các loại nước giải khát, nước tăng lực là thủ phạm làm tăng lượng nhanh đường huyết, thừa cân béo phì. Nếu bạn muốn kiểm soát cân nặng, tốt nhất bạn nên dùng nước lọc, nước trà xanh, nước vối, nước lá đinh lăng, các loại nước ép rau, nước dừa tươi, trái cây.
Với những người có các vấn đề bệnh lý nền như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cần tuân theo các chỉ định, khuyến cáo dinh dưỡng của bác sĩ để đảm bảo ăn tết vui nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe. Nên hạn chế bia rượu và các loại đồ uống có cồn.
Ngoài ra, nhiều gia đình có thói quen dự trữ thực phẩm dịp Tết, cho nhiều ngày cũng nên mua những đơn vị đóng gói nhỏ tùy theo quy mô gia đình; lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; nhận diện và loại bỏ các thực phẩm hư hỏng, có nguy cơ ngộ độc; bảo quản thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã nấu chín kỹ đúng cách… để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh là cần thiết
Duy trì chế độ vận động thường xuyên với mức độ phù hợp là vô cùng cần thiết và hữu ích. Mỗi ngày dành thời gian 30 phút chạy bộ, đi bộ hay với các bài tập tác động mạnh vào cơ bụng mà không cần dùng dụng cụ như: hít đất, đá chéo chân, gập bụng, chạy tại chỗ bằng máy…, bạn đã có được sự dẻo dai, giúp đốt cháy năng lượng dư thưa và tinh thần thoải mái.
Ngủ đủ giấc cũng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu ngủ không chỉ làm bạn mệt mỏi, thiếu sức sống mà còn là “thủ phạm” dễ gây tăng cân như một phản ứng của stress. Vì thế, dù bận rộn với những bữa tiệc, những cuộc du xuân thì bạn nên cố gắng ngủ đủ để giữ tinh thần thoải mái cho một mùa xuân trọn vẹn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-doi-bua-an-trong-ngay-tet-n186693.html