Cân đối cung cầu

Nếu giữ ổn định diện tích, sản lượng và thu hoạch rải đều trong năm, nghề nuôi cá nước lợ, như: cá đù (cá Hồng Mỹ), cá chẽm sẽ giúp nông dân có thu nhập tốt, nhờ năng suất và giá bán cao. Đó là chia sẻ của anh Võ Điền Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Ngư Nghiệp, ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Vốn được biết đến là ông “vua” cá chẽm ở Sóc Trăng, cách nay 5 năm, trong quá trình giao cá chẽm cho đầu mối chợ cá Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh), anh Dũng nhận thấy giá cá đù luôn ở mức cao và việc tiêu thụ khá tốt nên anh bắt đầu nuôi thử nghiệm loại cá này. Anh Dũng kể: “Lúc đầu, do chỉ có mình tôi nuôi, sản lượng còn ít lại không có sự cạnh tranh nên giá cá đù bán cho đầu mối chợ Bình Điền lên đến 90.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, nên lợi nhuận từ con cá đù mang lại khi đó là rất cao. Đây cũng là lý do chỉ sau một vài vụ, diện tích nuôi cá đù trong tỉnh bắt đầu tăng lên khiến cung vượt cầu dẫn đến mất giá như hiện nay”.

Thu hoạch cá chẽm tại trang trại Công ty TNHH MTV Đại Ngư Nghiệp. Ảnh: TÍCH CHU

Thu hoạch cá chẽm tại trang trại Công ty TNHH MTV Đại Ngư Nghiệp. Ảnh: TÍCH CHU

Theo anh Dũng, cá đù có thể nuôi tốt ở môi trường nước lợ thuộc các vùng nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng. Thời gian nuôi khoảng 7 tháng, cá đạt trọng lượng bình quân 700g/con và năng suất bình quân 40 - 50 tấn/ha, nên sản lượng cá anh cung cấp cho đầu mối chợ Bình Điền mỗi năm khoảng 200 - 250 tấn. Con cá đù nuôi không quá khó, nhưng cần có vốn đầu tư lớn và phải am hiểu kỹ thuật nuôi cũng như thị trường tiêu thụ. Anh Dũng chia sẻ: “Loại cá đù trọng lượng 700 – 800g chủ yếu là tiêu thụ nội địa, nên diện tích, sản lượng cá phải ổn định theo nhu cầu thị trường thì mới giữ được giá bán ở mức cao, còn nếu không cũng sẽ rơi vào tình trạng trúng mùa, thất giá như một số loại nông, thủy sản khác”.

Do giá cá chẽm, cá kèo… hơn 1 năm qua giảm mạnh, trong khi cá đù lại có giá cao, nên một số hộ nuôi chuyển sang nuôi cá đù, làm sản lượng tăng đột biến và hệ lụy là giá cá đù bắt đầu giảm mạnh, việc tiêu thụ ngày càng khó khăn hơn. Anh Dũng thông tin thêm: “Do một số vùng nuôi trong tỉnh phát triển mạnh đối tượng này nên việc tiêu thụ cá đù đang gặp khó vì cung vượt cầu. Nếu như ở thời điểm trung tuần tháng 5, giá cá đù còn ở mức 58.000 – 60.000 đồng/kg mà người nuôi đã gặp khó thì hiện tại giá cá đù chỉ còn khoảng 55.000 – 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, cộng với giá thức ăn tăng cho dù có nuôi đạt năng suất, tỷ lệ sống cao và hệ số thức ăn thấp thì người nuôi cũng khó mà có được lợi nhuận, nếu không muốn nói là cầm chắc thua lỗ”.

Để giữ giá cá đù ổn định ở mức cao, theo anh Dũng, Sóc Trăng cần ổn định diện tích, sản lượng theo nhu cầu thị trường và phải thu hoạch rải đều trong năm. Tuy nhiên, qua khảo sát vùng nuôi, anh Dũng cho biết, sản lượng cá đù của tỉnh năm nay là khá cao, nên giá cá đù ngay từ đầu năm đã giảm đến nay đã ngang với giá thành và nhiều khả năng sẽ còn giảm thêm nếu các hộ nuôi ùn ùn thu hoạch chạy giá. Anh Dũng phân tích: “Hiện ở đồng bằng sông Cửu Long nuôi cá này chưa phổ biến và sản lượng cũng chưa phải là cao mà giá đã giảm. Do đó, người nuôi không nên chạy theo phong trào mà cần cập nhật thông tin thị trường, tình hình nuôi thường xuyên để đưa ra quyết định đúng đắn nhằm đảm bảo cho nghề nuôi được hiệu quả. Còn nếu tiếp tục nuôi theo kiểu tự phát, không có tổ chức, kế hoạch và liên kết trong khâu tiêu thụ như vừa qua thì giá cá đù khó có thể lên cao được”.

Đối với con cá chẽm, sau hơn 1 năm giảm giá, bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ đầu năm đến nay. Hiện dù đang có dịch Covid-19 nhưng giá cá chẽm đã lên mức 65.000 đồng/kg và theo dự đoán của anh Dũng, giá cá chẽm sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Anh Dũng cho biết thêm: “Sau hơn 1 năm giảm giá mạnh, theo tôi được biết có khoảng 80% hộ nuôi cá chẽm đã bỏ nghề nên sản lượng cá chẽm năm nay chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh. Vì vậy, giá cá chẽm tới đây chắc chắn sẽ phục hồi mạnh trở lại, kể cả khi dịch Covid-19 vẫn còn thì giá cá chẽm vẫn tốt cho người nuôi do nhu cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều khá tốt. Riêng công ty của tôi do có hợp đồng tiêu thụ thường xuyên với chợ đầu mối Bình Điền nên sản lượng cá chẽm hàng năm luôn ổn định trong khoảng 2.000 – 2.500 tấn, trong đó có 1.000 tấn liên kết với hộ nuôi bên ngoài”.

Câu chuyện của con cá đù và cá chẽm tuy không lớn nhưng một lần nữa cho thấy, nếu sản xuất không được tổ chức tốt, không theo nhu cầu thị trường và không tạo được liên kết chuỗi giá trị (hay chuỗi lợi ích) thì sự bấp bênh vẫn luôn thường trực, người phải chịu thiệt thòi trước tiên vẫn chính là nông dân.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/can-doi-cung-cau-49897.html