Cần đổi mới lề lối, quy trình về công tác cán bộ

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị đổi mới phong cách, lề lối làm việc, không để vì tầng nấc quy trình, quy định mà cuối cùng cán bộ lại không đủ chất lượng.

Ngày 28-12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Sắp xếp vị trí việc làm, cải cách tiền lương

Theo TTXVN, phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành tổ chức xây dựng Đảng đã góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra là còn có một số cán bộ năng lực hạn chế, một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, dĩ hòa vi quý. Một bộ phận tổ chức cơ sở Đảng còn yếu, sức chiến đấu hạn chế...

 Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2024, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ, tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Các văn bản, nghị quyết của Đảng phải được quán triệt sâu sắc, phải được cụ thể hóa sát với thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm.

Về công tác cán bộ, Thường trực Ban Bí thư cho biết nhiệm kỳ Đại hội XIII, các quy định về công tác cán bộ tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện và Bộ Chính trị, Ban Bí thư dành sự quan tâm cho vấn đề này. Trong đó có Kết luận 08 về tuổi bổ nhiệm cán bộ; Kết luận 14 về bảo vệ, khuyến khích cán bộ; tham mưu trình Bộ Chính trị tiếp tục phân công để tăng số bí thư không phải là người địa phương…

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng theo hướng thiết thực, sát hợp để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nói về mục tiêu 3%-4% phát triển đảng viên mới, bà Trương Thị Mai nhìn nhận đây là yêu cầu tương đối cao trong khi nguồn phát triển không còn dư địa nhiều, do đó bà Trương Thị Mai đề nghị các địa phương tính toán xây dựng mục tiêu sát, hợp với thực tiễn của mình. “Việc phát triển số lượng phải gắn với chất lượng, không thể chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng” - bà Mai nhấn mạnh.

Cũng theo trưởng Ban Tổ chức Trung ương, năm 2024 phải hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp để có thể giảm được 140 đơn vị và tiếp tục sắp xếp vị trí việc làm. Đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh, đổi mới chính sách tiền lương và thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường cải cách, không để vì tầng nấc quy trình, quy định mà cuối cùng cán bộ lại không đủ chất lượng.

 Các đại biểu tham dự tại hội nghị tổng kết. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tham dự tại hội nghị tổng kết. Ảnh: TTXVN

Việc phát triển số lượng đảng viên mới phải gắn với chất lượng, không thể chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng.

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trước đó, đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, ba nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng.

Trong đó, tập trung tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2024 bảo đảm tiến độ, chất lượng gắn với công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tổ chức xây dựng Đảng; tham mưu nghiên cứu, xây dựng, sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung một số quy định, đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức bộ máy. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thực hiện nền nếp việc giao, quản lý biên chế của hệ thống chính trị năm 2024.

Đồng thời tham mưu thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ; tham mưu bố trí, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ theo thẩm quyền phân cấp…

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm tới, theo ông Hoàng Đăng Quang là tăng cường công tác bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữ gìn bí mật nội bộ, bí mật quốc gia…

Công tác quy hoạch nhân sự khóa XIV tiến hành chặt chẽ, thận trọng

Theo báo cáo, năm 2023, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng cơ bản hoàn thành 21 đề án theo chương trình, kế hoạch làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương.

Toàn ngành đã chủ động tham mưu việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, tham mưu Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thành lập năm tiểu ban.

Công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 được tiến hành khoa học, chặt chẽ, thận trọng, dân chủ, khách quan, minh bạch, bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Công tác cán bộ tiếp tục được Bộ Chính trị quan tâm, coi trọng; đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, nêu gương của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu về công tác cán bộ.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới, xây dựng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị…

N.THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-doi-moi-le-loi-quy-trinh-ve-cong-tac-can-bo-post769190.html