Cần đổi mới và tăng cường quản lý thuyết giảng trên không gian mạng
Việc thuyết giảng trên không gian mạng cần thiết phải định hướng lại, có kế hoạch quản lý tốt hơn, để tránh những vấn đề phát sinh...
Việc thuyết giảng trên không gian mạng cần thiết phải có định hướng, có kế hoạch quản lý tốt hơn, để tránh những vấn đề phát sinh không đáng có, nhất là phải có hành động kiểm tra, giám sát, rà soát, ngăn chặn những trang tin đăng tải, phát tán video thuyết giảng sai lệch, có quy định cụ thể một cách chặt chẽ các hoạt động thuyết giảng của các chuyên viên thuyết pháp một cách có kế hoạch, tuân thủ các quy định của Giáo hội.
Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.
Tóm tắt: Nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một xu hướng tất yếu dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, đưa đến sự tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất của con người, tạo ra một sự thay đổi lớn về các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Điều đó, cũng đồng nghĩa với sự thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, nhận thức, làm việc, cách sống và quan hệ sống của con người trong xã hội.
Vì vậy, vấn đề thuyết giảng giáo lý trên không gian mạng hiện nay, cần thiết phải đổi mới và quản lý thuyết giảng, cách tiếp cận vấn đề cho phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Bài viết tập trung trình bày: thuyết giảng – những vấn đề cần suy nghĩ; công tác quản lý thuyết giảng trên không gian mạng còn hạn chế. Mục đích của bài viết nhằm góp phần trong việc cần thiết đổi mới chất lượng thuyết pháp và quản lý trên không gian mạng hiện nay.
Từ khóa: Thuyết giảng giáo lý, hoằng pháp, quản lý, đổi mới, không gian mạng.
Hoằng pháp lợi sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với người đệ tử đức Phật, là mục tiêu quan trọng mà đức Phật muốn hướng đến để mở ra cho con người khả năng trí tuệ, mang đến sự giác ngộ, giải thoát và bình đẳng cho con người nhằm xóa bỏ định kiến giai cấp, đối xử phân biệt con người, phụ nữ trong xã hội Ấn Độ lúc Ngài còn tại thế.
Trong Tương Ưng bộ kinh, Ngài đã nói: “Này các Tỳ kheo vì hạnh phúc, an lạc cho quần sinh, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, hãy đi mỗi người một ngã, đừng đi hai người trên một đường, vì lòng thương tưởng cho đời hãy đem chánh pháp đến gieo rắc khắp nơi” . Do đó, hoằng pháp được xem là nền tảng cốt lõi của Phật giáo. Tuy nhiên, sứ mệnh hoằng pháp còn phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, việc thực hiện sứ mệnh hoằng pháp phải đáp ứng được những nhu cầu thay đổi và cách tiếp cận xã hội từ nhiều góc độ tâm lý, quan điểm, nhận thức…của con người trong xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một xu hướng tất yếu dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, đưa đến sự tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất của con người, tạo ra một sự thay đổi lớn về các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Điều đó, cũng đồng nghĩa với sự thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, nhận thức, làm việc, cách sống và quan hệ sống của con người trong xã hội. Vì vậy, vấn đề thuyết giảng giáo lý trên không gian mạng hiện nay, cần thiết phải đổi mới và quản lý thuyết giảng, cách tiếp cận vấn đề cho phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.
1. Thuyết giảng – những vấn đề cần suy nghĩ
Trên bình diện phát triển chung của Phật giáo Việt Nam, công tác hoằng pháp được xem là một trong những trụ cột của Phật giáo, bởi vai trò của nó là sự truyền tải giáo lý đức Phật đến cho phật tử nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung, mang tính giáo dục, đạo đức, nhận thức theo quan điểm của Phật giáo. Vì vậy, người thực hiện sứ mệnh hoằng pháp trong giai đoạn hiện nay phải cần thiết suy nghĩ tính thực tiễn của nó trong sứ mệnh hoằng pháp, nhất là thuyết giảng giáo lý, những vấn đề liên quan đến giáo lý đạo Phật trên không gian mạng ngày nay không giống như lối thuyết giảng truyền thống cách đây vài chục năm về trước.
Việc thuyết giảng theo phong cách truyền thống mang tính chất thuần túy tôn giáo, không còn phù hợp với nhận thức của giới trẻ hiện nay và nhận thức của phần lớn những người trí thức đang nghiên cứu tìm hiểu hướng về đạo Phật và một số thành phần khác trong xã hội hết sức đa dạng, phức tạp. Do đó, đòi hỏi người thuyết giảng phải có cách tiếp cận mới, có tầm nhìn sâu rộng hơn, xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn, đặc biệt là việc vận dụng giáo lý của Phật giáo hết sức cẩn thận trước khi chúng ta truyền tải nó trên một không gian rộng lớn như hiện nay.
Một số người thuyết giảng đơn thuần trong suy nghĩ, rằng thuyết giảng giáo lý Phật giáo để truyền bá chánh pháp riêng cho tín đồ Phật giáo, vì vậy đôi khi vô tư trong lúc truyền đạt mà không kiểm soát, chọn lựa ngôn từ. Song, điều đó là một sai lầm, nó có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường đối với bản thân và tổ chức của Phật giáo. Nếu chúng ta thuyết giảng cho đệ tử trong các khóa tu Bát quan trai, khóa tu an lạc, khóa tu mùa hè…được khu biệt trong một không gian hẹp của tu viện, chùa chiền, mang tính nội bộ, thì vấn đề trở nên ít phức tạp và độ nguy hiểm không đáng kể.
Tuy nhiên, một khi vấn đề thuyết giảng được truyền tải, phát lên youtube, facebook, tiktok…thì lại là một câu chuyện khác, liên quan đến vô số sự chú ý, xem xét, đánh giá, bình luận trên cộng đồng mạng. Xu hướng xã hội hóa ngày nay diễn ra hết sức rộng rãi, công khai như không kém độ phức tạp và khó kiểm soát của nó; nếu như một thông tin “gây sốc” sẽ có tốc độ lan truyền nhanh như tốc độ “âm thanh ánh sáng” trên cộng đồng mạng, không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới đều có thể nắm bắt thông tin.
Do đó, việc đào tạo giảng sư, người thuyết giảng ngày nay phải nắm bắt được xu hướng vận động và phát triển của xã hội. Phật giáo ngày nay không còn là Phật giáo riêng của chính những người theo đạo Phật, mà Phật giáo với tinh thần “tổng hòa của các mối quan hệ” trong xã hội; chính vì vậy, Phật giáo mới đem đến cho con người và giúp con người trong xã hội với tinh thần nhập thế tích cực. Một tinh thần hết sức có ý nghĩa mà Trần Nhân Tông đã thực hiện cách đây hàng thế kỷ, nhằm mục đích đưa đạo vào đời, làm sâu sắc thêm giá trị cao quý của Phật giáo.
Cho nên, vấn đề thuyết pháp ngày nay phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của thính chúng, tùy duyên, tùy trường hợp mà thuyết pháp cho phù hợp, không phải cứ theo “bổn cũ” soạn lại, nói theo quan điểm cá nhân, thiếu khoa học, không kiểm soát được lời nói, nói một cách tùy tiện trước hội chúng đông đảo, nhiều thành phần trong xã hội. Trong Kinh Duy Ma Cật đức Phật dạy: “Này Bảo Tích, tất cả chúng sinh là cõi Phật của Bồ tát. Vì sao? Bồ tát tùy chỗ giáo hóa chúng sinh mà lãnh lấy cõi Phật, tùy chỗ điều phục chúng sinh mà lãnh lấy cõi Phật. Tùy chúng sinh ưng theo quốc độ mà lãnh lấy cõi Phật nào”.
Do đó, việc giáo hóa phải tùy thuận vào chúng sinh, xem chúng sinh là trung tâm của con đường truyền bá giáo pháp, giáo dục, đào tạo; đồng thời quán chiếu tâm tính của đối tượng nghe pháp, đây là một điều hết sức quan trọng đối với người thuyết giảng. Nhiều trường hợp hiện nay thuyết giảng thiếu tính thực tiễn và không hợp hoàn cảnh, dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng, làm hoang mang, hỗn loạn cuộc sống của người dân.
Chẳng hạn, khi chúng ta đến vùng biển, người dân đánh bắt cá, sống bằng nghề chài lưới quanh năm, người giảng sư phán một câu “ai đánh bắt cá là có tội sát sinh, bị đọa và bị trả quả báo”. Điều này, nghe có lẽ đúng, nhưng không phù hợp thực tiễn đối với cuộc sống mưu của người dân ven biển. Cũng như những vấn đề nhạy cảm của xã hội như là chủ trương của Nhà nước về phát triển chăn nuôi, thủy sản và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm tạo nguồn tài chính cho đất nước, cho nên các công ty, tập đoàn xuất khẩu thịt heo, thịt bò, tôm, cá.
Nếu chúng ta không khéo, đụng chạm đến vấn đề này, mặc dù đúng, nhưng không phù hợp thực tiễn sẽ trở thành thuyết pháp sai mục đích. Có nhiều vấn đề mà chúng ta cần cân nhắc một cách thận trọng trước khi nói, một khi xuất hiện trên không gian mạng, thì hại quả hết sức to lớn, nghiêm trọng, gây xáo trộn những người theo đạo Phật hoặc không theo đạo Phật. Đó là một thực trạng mà chúng ta cần suy nghĩ đối với những vấn đề thuyết pháp hiện nay.
Thực tế, trên không gian mạng đã có nhiều ý kiến, phản ứng trái chiều của một số chuyên viên thuyết giảng được gọi là “tầm cỡ” và có sức ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều thành phần trong xã hội. Nhiều bài giảng có tính thuyết phục không cao, phi thực tiễn, phi khoa học, gây bức xúc đối với xã hội hiện nay như báo Công Thương đưa tin về sự lan truyền trên mạng xã hội, là hiện tượng “vong nhập”; “không dự khóa tu, không sám hối thì sẽ lấy nhiều đời chồng do quả báo” của khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) và câu chuyện về tiền kiếp cách đây 14 kiếp của một nữ sinh bị “vong nhập” với mục đích giáo dục các em học sinh, gây bức xúc trong dư luận.
Cùng với đó, là hàng loạt clip về “ai mà cầm chén rượu ép người khác phải uống thì có thể 500 kiếp sau sinh ra là tay cụt”; “phương thức kiếm tiền”; “thuyết giảng về giáo lý nhân quả không đúng chính pháp” gây hoang mang trong xã hội. Mặc dù, có những clip thuyết giảng đã lâu, đã cũ, bị phê bình, khiển trách của Giáo hội, nhưng nó lại là điểm tựa cho kẻ xấu lợi dụng, phát tán liên tục, làm ảnh hưởng xấu lâu dài đến tổ chức Giáo hội, để lại “di chứng” cho ngành Hoằng pháp khó khắc phục.
Vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta cần suy nghĩ về công tác thuyết giảng trên không gian mạng hiện nay như thế nào? Nếu không, tương lai sẽ làm phương hại đến lợi ích của Phật giáo, gây mất ổn định trong xã hội. Hơn nữa, đây có được xem là “trách nhiệm” của ngành Hoằng pháp? Đồng thời, việc quản lý thuyết giảng và thuyết giảng trên không gian mạng hiện nay có thật sự hiệu quả như kỳ vọng mong đợi?
2. Công tác quản lý thuyết giảng trên không gian mạng còn hạn chế
Trong cuộc sống con người, công tác quản trị đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo. Đó là quá trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực khác nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Có thể nói, đó là sử dụng nguồn lực hữu hạn để đạt đến mục tiêu tối đa hay đó là cách thức làm sao để chúng ta đạt được những kết quả tốt nhất trong công việc.
Vì vậy, công tác quản lý trong Phật giáo nói chung, hoằng pháp nói riêng, tất cả đều phải dựa trên nền tảng quản trị thì mới mong đạt được những mục tiêu hướng đến. Tuy nhiên, từ thực tiễn xã hội hiện nay, nhất là trên không gian mạng, cho chúng ta thấy việc quản lý thuyết giảng và tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên, khóa tu an lạc… còn nhiều hạn chế, bất cập, sự kiểm soát của nó chưa thật sự đem lại hiệu quả như kỳ vọng mong đợi của các nhà lãnh đạo Giáo hội và chuyên ngành về Hoằng pháp.
Trái lại, nó còn dẫn đến một số hệ lụy làm xấu đi uy tín của tổ chức Giáo hội và ngành Hoằng pháp. Nguyên nhân của nó có thể đến từ sự tác động của yếu tố khách quan trong xã hội, nhưng cũng nên thừa nhận yếu tố chủ quan của chính chúng ta, lại là “đầu mối” của những hiện tượng phản ứng xã hội. Phải chăng ngành Hoằng pháp cũng có một phần “trách nhiệm” của mình trong công tác quản lý thuyết giảng? Hay sự hạn chế quyền lực quản lý thuyết giảng của các cấp Giáo hội địa phương còn nhiều điều bất cập?
Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng chúng ta chỉ chú trọng đến số lượng, mà ít quan tâm đến chất lượng thuyết giảng, từ đó dẫn đến chất lượng trong công tác thuyết giảng bị giảm sút, làm suy yếu vai trò hoằng pháp. Mặt khác, hiện nay chúng ta đang có xu hướng phát triển, mở rộng, đưa Phật giáo xâm nhập sâu vào cuộc sống quần chúng, bằng nhiều hình thức như khóa tu mùa hè, khóa tu thanh thiếu niên, các khóa tu an lạc một ngày, khóa tu Bát quan trai giới…rất nhiều hình thức cho công tác truyền bá Phật giáo.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực “đủ chuẩn” của công tác thuyết giảng thì còn rất hạn chế và nhất là việc quản trị thuyết pháp còn rất nhiều điều cần xem xét. Điều đó, phản ánh cách thức đào tạo của chúng ta về đào tạo nguồn nhân lực giảng sư thế hệ trẻ và quản lý giảng sư hiện nay của ngành Hoằng pháp đang gặp khó khăn về tính chuyên môn của nó. Trong những năm qua, chúng ta có nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về hoằng pháp, nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ hoằng pháp do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức và gần đây nhất là khóa tập huấn vào tối ngày 6/4/2024 tổ chức tọa đàm với chủ đề “HOẰNG PHÁP THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ – THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC”.
Mục đích truyền đạt các kỹ năng, các quy tắc thuyết giảng, cách thức tổ chức pháp hội đạo tràng, phổ biến về cách thức chuyển đổi số trong công tác hoằng pháp thời đại kỷ nguyên số, nhằm “ đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp”, “App Hoằng pháp Online” được ra đời vào ngày 19/12/2023, như một kênh chính thống của ngành Hoằng pháp online Phật giáo.
Mặc dù vậy, nhưng những giải pháp mang tính đột phá về quản lý thuyết giảng trên không gian mạng còn hạn chế, chưa thực chất đi vào chiều sâu. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao hiện nay chúng ta đang gặp khủng hoảng niềm tin trên không gian mạng đều có điểm chung từ các phát ngôn thuyết giảng “gây sốc” của các vị giảng sư “gạo cội”? Mặc dù chúng ta đã có “app Hoằng pháp online” nhưng có phải vị giảng sư nào, pháp hội đạo tràng nào cũng hòa nhập vào mạng lưới truyền thông hoặc theo mô hình chung của Ban Hoằng pháp T.Ư?
Do đó, vấn đề ở đây là trách nhiệm quản lý của Ban Hoằng pháp như thế nào? Tính thống nhất và sự đồng bộ chưa đạt được hiệu quả trong việc liên kết, kết nối giữa các khóa tu, thuyết giảng trên cùng một hệ thống. Đa phần các đạo tràng, khóa tu, đều có kênh truyền thông riêng, tự đăng tải lên cộng đồng mạng, nhiều lúc không có thời gian kiểm tra, nghe lại để kiểm tra những vấn đề phát sinh trong lúc giảng.
Câu hỏi được đặt ra là ngành Hoằng pháp cần phải làm gì để liên kết và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa giữa các đạo tràng, khóa tu, các buổi thuyết giảng gián tiếp hoặc trực tiếp được đăng tải trên không gian mạng? chúng ta có đủ nguồn nhân lực “đủ chuẩn” để kiểm tra, sàng lọc thông tin, bài giảng hay không? Còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong công tác quản lý thuyết giảng hiện nay. Hơn nữa, sự tương tác xã hội mang tính phổ biến trên cộng đồng mạng như hiện nay, khiến cho sự giao tiếp của con người trở nên thuận lợi, nhanh chóng, nhưng một khi thiếu kiểm soát những hành vi, hành động của bản thân thì hậu quả khó lường.
Trong số đó có sự tham gia của giới tu sĩ, từ những hành động, việc làm, đám tiệc…tất cả cái gì cũng đưa lên mạng xã hội, nhiều lúc không kiểm soát, thiếu kỹ năng ứng xử trên không gian mạng, không làm chủ được lời nói và bị các đối tượng bất chính lợi dụng moi tin tức, bôi nhọ, vu khống, gây nên những sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng chung đến Tăng già. Sự lạm dụng vấn đề thế tục trong các bài thuyết giảng gây hoang mang trong dư luận xã hội thiếu tính cơ sở khoa học, cổ súy cho những vấn đề mê tín, dị đoan, giải hạn, cách thức kiếm tiền…của một số vị giảng sư hiện nay là điều cần thiết xem xét, kỷ luật.
Thuyết pháp trên không gian mạng là một mô hình truyền giáo hiện đại, rất lý tưởng, hấp dẫn, dễ thu hút nhiều thành phần trong xã hội hưởng ứng, tuy nhiên đó lại là một nguy cơ tiềm ẩn vô cùng to lớn đối với vị thuyết giảng, nếu phát ngôn lệch chuẩn, không phù hợp, tín đồ Phật giáo có thể bị mê muội, bị “sang chấn thương” về mặt tâm lý, mất phương hướng, xa rời Phật giáo.
Chính vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ, việc thuyết giảng trên không gian mạng cần thiết phải định hướng lại, có kế hoạch quản lý tốt hơn, để tránh những vấn đề phát sinh không đáng có, nhất là phải có hành động kiểm tra, giám sát, rà soát, ngăn chặn những trang tin đăng tải, phát tán video thuyết giảng sai lệch, có quy định cụ thể một cách chặt chẽ các hoạt động thuyết giảng của các chuyên viên thuyết pháp một cách có kế hoạch, tuân thủ các quy định của Giáo hội.
Song, ở chiều ngược lại, Giáo hội T.Ư, Ban Hoằng pháp T.Ư cũng cần phải có “hành động” cần thiết, có “tiếng nói đủ mạnh”, có phản ứng đối với những trang tin, video bị kẻ xấu cắt, ghép, bình luận, phát ngôn sai trái về Phật giáo, hạ uy tín, nhân phẩm của các nhà tu hành trên cộng đồng mạng của một số youtuber, tiktoker…
Tóm lại, việc quản lý và đổi mới phương thức thuyết giảng trên cộng đồng mạng hiện nay, là một hướng đi cần thiết của Ban Hoằng pháp nói riêng, các cấp Giáo hội Phật giáo nói chung, nhằm kiểm soát, kiểm tra và sàng lọc các bài thuyết giảng chuẩn mực theo đúng tinh thần của giáo lý nhà Phật, để nâng cao giá trị của Phật giáo, nhằm lan tỏa sức sống, giá trị văn hóa của Phật giáo trên cộng đồng mạng là hết sức quan trọng và cần thiết.
Trong thời gian qua, chúng ta đã buông lỏng việc quản lý thuyết giảng, bất cứ vị nào, dù giảng sư “gạo cội” đến giảng sư “vô danh” vô tư phát ngôn của mình trên cộng đồng mạng, chạy theo xu thế của xã hội, loạn thuyết pháp…đến mức cần thiết báo động. Vì vậy, Giáo hội cần thiết phải chấn chỉnh lại để giữ sự trang nghiêm của Giáo hội; đồng thời phát huy và bảo tồn giá trị “hoằng pháp” vốn là nền tảng cốt lõi của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng, là mục tiêu quan trọng của Phật giáo Việt Nam trên lộ trình hoằng dương chính pháp hiện nay.
Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang - Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.HT.Thích Huệ Hưng (dịch), Kinh Duy Ma, NXB. Tôn giáo, năm 2023.
2.HT.Thích Trí Quảng, Phật giáo nhập thế và phát triển, NXB. Tôn giáo, năm 2008.
3.Https://thienphatgiao.org/kinh-tuong-ung-bo-tmc.
4.Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, trọn bộ 3 tập, NXB. Văn học, HN, 2000.
5.Nhiều tác giả, Phật giáo trong thời đại chúng ta, NXB. Tôn giáo, 2005.