Cần đồng hành tìm đầu ra cho nông dân

Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nhiều mô hình nông nghiệp tại các xã vùng ven TP. Phan Thiết đã được các đơn vị quan tâm triển khai. Tuy vậy, khó khăn hiện tại là việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đang còn yếu, khiến không ít mô hình 'chết yểu' trong thời gian ngắn.

Cần đồng hành tìm đầu ra cho nôn

Mô hình vịt Đại Xuyên tại hộ ông Phan Công Thức - thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm.

Mô hình vịt Đại Xuyên tại hộ ông Phan Công Thức - thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm.

Gần đây, người nông dân tại các xã vùng ven TP. Phan Thiết chứng kiến một số mô hình nông nghiệp phải ngưng canh tác chỉ sau thời gian ngắn triển khai. Điểm chung của các mô hình nông nghiệp này là hầu hết người nông dân tham gia trình diễn không thể chủ động đầu ra, dù khâu sản xuất cơ bản đáp ứng được.

Đầu năm 2018, mô hình “Sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới nước tiết kiệm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” được triển khai cho nông dân các xã Tiến Lợi, Tiến Thành (TP. Phan Thiết), Tân Thuận (Hàm Thuận Nam)… Mô hình này thực hiện theo hình thức liên kết với doanh nghiệp để chuyển giao giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, đến nay 3 hộ tham gia trồng cây măng tây xanh tại Phan Thiết đều ngừng hoạt động. “Cây trồng này thích nghi được tại địa phương nhưng đầu ra gặp khó. Các hộ nông dân có thể đảm nhận tốt khâu chăm sóc, thu hoạch nhưng thị trường đầu ra không ổn định. Khi thu hoạch măng số lượng lớn thì không có đầu ra, chỉ bán được số lượng nhỏ ở các chợ” - đại diện Hội Nông dân xã Tiến Thành cho biết.

Cũng hứa hẹn là mô hình phù hợp với nhiều hộ nông dân có diện tích đất canh tác nhỏ, mô hình chăn nuôi vịt Đại Xuyên sử dụng đệm lót sinh học tại xã Phong Nẫm cũng phải ngừng hoạt động vì “bí” đầu ra. Mô hình này được triển khai từ tháng 9/2020 với 750 con giống chuyển cho 3 hộ tham gia. Sau thời gian chăn nuôi, số vịt này cơ bản phát triển tốt. Tuy nhiên, khi đến thời gian thu hoạch thì hộ dân không tìm được đầu ra ổn định. 1 trong 3 hộ tham gia mô hình nuôi vịt Đại Xuyên cho biết, với quy mô 200 - 300 con/đàn nhưng khi xuất chuồng chỉ xuất số lượng lẻ vài ba con nên hộ nuôi không có lãi. Bởi khi vịt đến tuổi trưởng thành, hộ nuôi cần bán ngay để không phải phát sinh chi phí duy trì đàn. Trong khi nhu cầu thị trường không chủ động được đầu ra số lượng lớn. Theo Hội Nông dân xã Phong Nẫm, đến nay 3 hộ tham gia mô hình nuôi vịt Đại Xuyên đã ngừng tái đàn.

Trước đó nữa, không ít mô hình nông nghiệp tại xã Thiện Nghiệp đã phải tạm ngưng hoặc thu hẹp canh tác vì gặp khó trong khâu liên kết tiêu thụ. Đơn cử là mô hình nuôi bồ câu giống Pháp. Đã có thời gian, xã Thiện Nghiệp và một số vùng lân cận, người dân ồ ạt làm chuồng, mua giống, tìm hiểu cách thức để chăn nuôi loài gia cầm này. Nhờ được tư vấn kỹ thuật, sản phẩm nông nghiệp được người nông dân chăm sóc tốt. Thế nhưng, khi số người nuôi gia tăng thì bài toán đầu ra lại bắt đầu nan giải. Và hậu quả là không ít nông dân thua thiệt khi không bán được sản phẩm, nhiều nơi phá bỏ chuồng.

Dù còn nhiều khó khăn để duy trì các mô hình nông nghiệp, tuy nhiên cũng đã có những cá nhân, tổ chức mạnh dạn tìm hướng đi riêng để chủ động liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hợp tác xã chăn nuôi gà thả vườn Thiện Nghiệp là một trong những trường hợp nỗ lực kết nối thị trường. Hiện tại, ngoài việc duy trì đàn gà ở mức trên 1.000 con, hợp tác xã với 8 thành viên này thường xuyên ký hợp đồng với các nhà hàng, quán ăn và dịch vụ tiệc cưới. Ông Trần Minh Quân, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch vụ ăn uống đang bị hạn chế nên lượng gà tại hợp tác xã tiêu thụ có phần chậm hơn trước. Trong đó, nhiều hợp đồng ký kết với các chủ tiệc cưới phải dừng. Đây cũng là khó khăn chung, khách quan đối với nhiều ngành nghề. Tuy nhiên hợp tác xã đang tìm nhiều phương án kết nối để vượt khó trong tình hình dịch bệnh. Sắp tới, đơn vị sẽ cố gắng mở rộng thêm kênh tiêu thụ, đa dạng sản phẩm vật nuôi để có thêm thị trường.

Bên cạnh khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì theo ý kiến của chính các hộ dân, các đơn vị triển khai đề tài cần trọng “tinh” hơn “đa”. Trong đó, hạn chế việc triển khai các mô hình dàn trải, phong trào mà thiếu phương án để hỗ trợ khâu tiêu thụ. Các hộ dân cũng đề xuất xem xét có giải pháp thu hút từng hộ sản xuất, canh tác nhỏ lẻ tham gia vào các tổ hợp tác để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một cách bền vững.

Hạnh Khiết

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/can-dong-hanh-tim-dau-ra-cho-nong-dan-138565.html