Cần đồng lòng để ngầm hóa lưới điện TP Đà Nẵng

Đà Nẵng là thành phố trọng điểm của miền Trung, là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Hướng đến thành phố môi trường, xanh – sạch – đẹp, một không gian thông thoáng, mỹ quan, vì thế ngầm hóa lưới điện luôn được lãnh đạo thành phố, PC Đà Nẵng và nhân dân quan tâm nhiều năm qua để đáp ứng với hướng đi, nhịp điệu phát triển trẻ trung, năng động của đô thị hiện đại.

Phố “lột xác”

Từ tuyến đường Điện Biên Phủ được ngầm hóa đầu tiên, đến nay Đà Nẵng đã có nhiều tuyến đường ngầm hóa khác nhau trên địa bàn thành phố như: Lê Duẩn, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp… Để bắt nhịp với xu thế hiện đại này, từ năm 2008, PC Đà Nẵng đã không ngừng bám sát các định hướng, tiến hành hạ ngầm lưới điện hiện hữu và ngầm hóa lưới điện xây dựng mới theo quy định và lộ trình mà UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt.

Với hướng đi này, bình quân mỗi năm, PC Đà Nẵng bố trí hàng chục tỷ đồng đầu tư cho công tác ngầm hóa. Đến nay, khối lượng cáp ngầm đã thi công là gần 510 km, chiếm tỷ lệ hơn 15,7% quy mô lưới điện trung, hạ áp toàn địa bàn. PC Đà Nẵng luôn nhanh nhạy ứng biến cùng sự phát triển của thành phố nên nhiều tuyến đường trung tâm đã khang trang, sạch đẹp, hình thành nên các tuyến phố chuyên doanh, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, góp phần xây dựng nên thương hiệu của thành phố thông minh, đẹp và hiện đại. Trên cơ sở này, các hoạt động dịch vụ, du lịch từ vị trí thứ yếu những ngày đầu trực thuộc Trung ương đã vươn lên thành mũi nhọn phát triển trọng điểm trong hướng đi của thành phố nhiều năm trở lại đây.

Công tác ngầm hóa lưới điện mang lại nhiều hiệu quả về xã hội và mỹ quan đô thị (Trong ảnh: PC Đà Nẵng hoàn thành ngầm hóa lưới điện đường Lê Duẩn từ năm 2015)

Công tác ngầm hóa lưới điện mang lại nhiều hiệu quả về xã hội và mỹ quan đô thị (Trong ảnh: PC Đà Nẵng hoàn thành ngầm hóa lưới điện đường Lê Duẩn từ năm 2015)

Cùng với tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn và sắp đến là nhiều dự án phố chuyên doanh khác, PC Đà Nẵng tập trung và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực lẫn công nghệ để triển khai thực hiện ngầm hóa, mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo thông tin từ UBND thành phố Đà Nẵng, thời gian đến, việc ngầm hóa đồng bộ lưới điện được kết hợp với ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình theo kế hoạch cụ thể. Từ mục tiêu này, PC Đà Nẵng tiến hành đồng thời hạ ngầm lưới điện hiện hữu và xây dựng mới tại các khu dân cư, đô thị theo đúng quy định của UBND thành phố. Trong đó, riêng với lưới điện hiện hữu, Công ty thực hiện theo lộ trình đã được UBND thành phố phê duyệt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện ngầm hóa 27 tuyến đường nội thị.

Đây là khối lượng không hề nhỏ cả về quy mô thực hiện lẫn chi phí đầu tư rất lớn. Từ thực tế này, PC Đà Nẵng cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền thành phố, các doanh nghiệp và từ nguồn xã hội hóa. Không những vậy, thi công ngầm hóa vẫn còn vướng mắc không nhỏ từ công tác thỏa thuận vị trí đặt các thiết bị điện… Đằng sau vẻ đẹp và tiện ích của “ngầm hóa” là những câu chuyện không phải của riêng ngành điện, mà là khó khăn chung của thành phố, nên cần có cái nhìn đa chiều và sự đồng thuận, chung tay của người dân trên toàn địa bàn thành phố.

Những “nút thắt” của ngầm hóa

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng phụ tải hàng năm của Đà Nẵng xấp xỉ 10%, đặc biệt khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn có những thời điểm lên đến 20%, nên PC Đà Nẵng phải thực hiện đầu tư nguồn và lưới điện với khối lượng rất lớn để đáp ứng nhu cầu dùng điện của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn.

Với số vốn giới hạn huy động mỗi năm, PC Đà Nẵng cân đối việc bố trí nguồn vốn hợp lý, một mặt đầu tư lưới điện đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải; mặt khác hoàn thành tiến độ những công trình, dự án theo chủ trương quy hoạch, phát triển đô thị của thành phố, trong đó có ngầm hóa lưới điện.

Tuy nhiên, với ý nghĩa thuần túy về xã hội và mỹ quan đô thị, PC Đà Nẵng khó có thể vay vốn cho loại hình dự án này từ các ngân hàng thương mại mà chủ yếu là nguồn vốn có hạn mức từ các quỹ đầu tư phát triển. Hiện nay, dù nhận được sự hỗ trợ về mặt lãi suất từ UBND TP Đà Nẵng khi các dự án ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế nhờ xếp vào danh mục các dự án được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Nhưng PC Đà Nẵng vẫn chịu áp lực trả vốn vay trong 10 năm vòng đời dự án. Được thành phố quan tâm, chia sẻ một phần áp lực trả lãi suất, PC Đà Nẵng cũng đề xuất UBND thành phố nâng thời gian hỗ trợ lãi suất lên 10 năm để phù hợp với thời gian trích khấu hao tài sản cố định của ngành điện và thời hạn vay vốn của các hợp đồng tín dụng.

Căn cứ vào thực tế, hiệu quả mang lại của hạ ngầm lưới điện rất dễ nhận thấy và được thành phố, nhân dân đánh giá cao. Song, những vướng mắc từ công tác này như vị trí để lắp đặt các thiết bị điện trên mặt đất (chẳng hạn tủ điện trung áp RMU) lại không tìm được tiếng nói chung từ người dân. Đơn cử, dự án Ngầm hóa lưới điện tuyến đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ… thì vật tư, nhân lực, nguồn vốn đã chuẩn bị sẵn sàng từ năm 2020. Song đến nay, PC Đà Nẵng vẫn chưa thể triển khai thi công do một số vị trí đặt thiết bị chưa thể thỏa thuận. Do vậy, để thi công đồng bộ ngầm hóa, cần thiết có sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Việc đầu tư các công trình điện trên địa bàn đã được UBND thành phố Đà Nẵng và các sở/ban/ngành, chính quyền các cấp thành phố giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, một số vướng mắc, tồn tại cần sớm được tháo gỡ với mục tiêu chung là đảm bảo cung ứng điện phục vụ thành phố và nhân dân trong thời gian đến.

Hiện nay, PC Đà Nẵng tích cực chuẩn bị nguồn lực, công nghệ… để đầu tư ngầm hóa đạt hiệu quả tối ưu, vừa đảm bảo các chỉ tiêu quản lý vận hành tại đơn vị, vừa đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị cho khu vực trung tâm thành phố.

Yên Bình

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/can-dong-long-de-ngam-hoa-luoi-dien-tp-da-nang-642985.html