Cần dự án tổng thể kết nối dữ liệu ATGT
Việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các Bộ, ngành có vai trò rất quan trọng để đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
Hiện nay, trung tâm đăng kiểm muốn khai thác dữ liệu về phương tiện gây TNGT, vi phạm giao thông để bổ sung vào hồ sơ đăng kiểm phải chờ Công an gửi danh sách mới có cơ sở đối chiếu
Dữ liệu rời rạc
Theo quy định hiện nay, số liệu thống kê tai nạn giao thông (TNGT) được cung cấp bởi ngành Công an. Quy định này được lý giải bởi trong quá trình điều tra TNGT, ngành Công an thu thập số liệu chính xác về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, số liệu này lại không được dùng chung, vì ngành Y tế chỉ nắm được số liệu thương vong khi vào bệnh viện, không có số liệu hiện trường, khiến số liệu thống kê giữa hai ngành bị sai lệch.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ VN chưa phát huy nhiều tác dụng, nhất là khâu ngăn ngừa vi phạm.
Thiết bị giám sát hành trình truyền về đơn vị này hiện mới chỉ có các dữ liệu về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ… nhằm quản lý, xử lý vi phạm của lái xe. Song, thực tế, các dữ liệu của thiết bị chưa gửi được cảnh báo vi phạm đến cơ quan Công an, Sở GTVT địa phương và lái xe, nên khó cảnh báo, ngăn tai nạn từ sớm.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2019 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TNGT và vi phạm trật tự ATGT. Đây là giải pháp nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình TNGT, từ đó hoạch định, điều chỉnh chính sách hợp lý, góp phần giảm TNGT.
Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT) cho rằng, số liệu thống kê giữa các ngành chưa được kiểm tra chéo, dẫn đến việc các cơ quan quản lý thiếu công cụ hỗ trợ phân tích, mô phỏng, đánh giá về ATGT, qua đó tái hiện tình huống TNGT, xác định nguyên nhân về kỹ thuật, hạ tầng và lái xe.
“Trung tâm đăng kiểm muốn khai thác dữ liệu về phương tiện gây TNGT, vi phạm giao thông để bổ sung vào hồ sơ đăng kiểm phải chờ Công an gửi danh sách phương tiện vi phạm mới có cơ sở đối chiếu. Rõ ràng, tình trạng hệ thống cơ sở dữ liệu tách rời, thiếu liên kết, khó chia sẻ giữa các cơ quan đang diễn ra”, ông Đạt nói.
Phân tích về thực trạng trên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, theo quy định, một số thông tin dữ liệu có tính chất mật nên việc chia sẻ phải có quy định cụ thể, chẳng hạn như thông tin cá nhân bị rò rỉ thì ai chịu trách nhiệm? Chia sẻ thông tin gì, cho ai và trách nhiệm bảo mật thông tin thế nào chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ.
Cần có dự án tổng thể
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, các dữ liệu về GPLX, đăng kiểm, giám sát hành trình của ngành GTVT đã được chia sẻ cho ngành Công an.
Bất kỳ chiến sỹ CSGT nào được cấp mật khẩu đều xác minh dữ liệu bằng lái xe, đăng kiểm. Ngược lại, cơ sở dữ liệu về TNGT, dữ liệu về vi phạm giao thông của ngành Công an lại chưa được hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, dữ liệu giám sát hành trình ngành Công an không tiếp nhận được vì không có hạ tầng lưu trữ dữ liệu.
Theo ông Hùng, nếu dữ liệu không được kết nối sử dụng chung dẫn đến mất nhiều thời gian. Đơn cử, một trường hợp gian dối đã được cấp GPLX nhưng vẫn báo mất để được cấp lại nhằm đối phó với lực lượng chức năng.
Khi cấp lại như vậy, thông tin GPLX đầu tiên được cấp sẽ hết hiệu lực nhưng chỉ được quản lý bởi ngành giao thông. Đến khi người gian dối đó dùng GPLX hết hiệu lực, CSGT muốn kiểm tra phải qua mật khẩu được ngành GTVT cấp để kiểm tra.
Có hiện tượng có người có 2 - 3 GPLX và GPLX hết hiệu lực vẫn được sử dụng. Ngược lại, trường hợp người vi phạm bị tước GPLX và xin cấp lại. Ngành Giao thông trước khi cấp muốn biết người đó đã bị tước GPLX hay chưa phải gửi văn bản sang Công an. Nếu ngành Công an chậm trả lời, sau hai tháng ngành Giao thông phải cấp lại GPLX cho người đó.
Cơ chế ngành Giao thông cấp cho ngành Công an một mật khẩu để vào dữ liệu GPLX chưa hẳn là đã an toàn về mặt thông tin và vẫn mang tính nửa vời, chưa phải là kết nối liên thông dữ liệu.
Để an toàn hơn dữ liệu hai ngành phải được “trộn” với nhau thay cho việc chỉ cung cấp mật khẩu nhưng dữ liệu vẫn thuộc hai ngành. Khi vào giao diện website của CSGT chỉ cần nhập số CMND của công dân có thể biết được những thông tin về ATGT như người đó có GPLX hay không, hạng GPXL, cấp ngày nào, đã bị xử phạt vi phạm hay chưa, bị xử phạt lỗi gì, bị tai nạn hay chưa.
“Vấn đề quan trọng là quy định của pháp luật, hiện nay chưa có cơ chế để “trộn” dữ liệu mà vẫn mỗi ngành sở hữu dữ liệu riêng. Vì vậy, cần có dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trật tự ATGT, trên cơ sở có một kiến trúc tổng thể, từng ngành sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối. Bên cạnh đó cũng phải có một hệ thống điều hành, báo cáo kết nối để làm sao những yêu cầu kết nối, những thông tin dữ liệu cụ thể giữa các ngành được tự động kết nối chia sẻ”, ông Hùng nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang tập trung xây dựng một số hệ thống dữ liệu về đăng kiểm, dữ liệu GPLX và dữ liệu hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để tạo dữ liệu chung của ngành giao thông đường bộ.
Các loại dữ liệu của ngành GTVT cũng là tài sản quốc gia nên các cơ quan quản lý nhà nước đều được quyền khai thác sử dụng chung để hoạch định chính sách, giải pháp phát triển kinh tế cũng như sử dụng đảm bảo ATGT.
“Nòng cốt trong đảm bảo trật tự ATGT là ngành GTVT, ngành Công an, chính quyền các địa phương phải được kết nối liên thông để sử dụng dữ liệu trong quản lý phương tiện, GPLX, hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ. Từ đó, trong đảm bảo ATGT dần thay thế bằng công nghệ, thiết bị, giảm bớt tác động của con người đến tổ chức điều hành giao thông”, Thứ trưởng Thọ nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Cục CSGT đang chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX với Tổng cục Đường bộ VN và các dữ liệu xử lý vi phạm giao thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, khi lập biên bản xử lý, lực lượng CSGT sẽ tập hợp đưa lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và thông báo cho Tổng cục Đường bộ VN.
“Dữ liệu giám sát hành trình của các ô tô hợp đồng, ô tô khách, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã chia sẻ với Cục CSGT. Tuy nhiên, việc này lực lượng CSGT không có căn cứ xử lý vi phạm, vì giám sát hành trình không phải nằm trong nhóm thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ. Vì vậy, khi chia sẻ, lực lượng CSGT nắm được nhưng chỉ là tài liệu tham khảo”, lãnh đạo Cục CSGT cho biết.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-du-an-tong-the-ket-noi-du-lieu-atgt-d489812.html