Cần đưa việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch phát triển KT-XH
Trong phiên thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thiết phải đưa nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2021 và những năm sắp tới. Đồng thời, phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, nhanh chóng bố trí quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi nơi có nguy lũ quét, sạt lở đất.
Trong phiên thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thiết phải đưa nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2021 và những năm sắp tới. Đồng thời, phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, nhanh chóng bố trí quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi nơi có nguy lũ quét, sạt lở đất.
Sáng 2-11, Quốc hội họp ở tổ, thảo luận về các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Thảo luận ở Tổ 11 về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch phát triển trong những năm tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định rằng: Chưa năm nào như năm nay, từ đầu năm đến nay tình hình thiên tai diễn biến rất khác thường do chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Dẫn Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm nay chúng ta chứng kiến diễn ra 16 loại hình thiên tai. Đã có 9 cơn bão trên biển Đông và chuẩn bị cơn bão số 10 gọi là siêu bão Goni. Trên cả nước đã có 263 trận giông lốc, 15 trận lũ lớn gây sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng, 49/63 tỉnh, thành phố đều chịu thiên tai các loại.
Đặc biệt, đã có 79 trận động đất ở Việt Nam, trong đó trận gần đây nhất tại Mộc Châu là 5,3 độ Richte.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, chưa bao giờ ngập mặn, ngập sâu kéo dài như năm năm qua. Nước biển xâm nhập mặn đi vào các sông tới 40 km, có nơi đến cả trăm km. Riêng trong tháng 9, tháng 10 vừa qua, các tỉnh miền trung phải oằn mình trong thiên tai bão lũ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Trung ương, Chính phủ, các cơ quan liên quan, bộ, ban ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai. Nhưng từ thực tế này, khi bàn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021, các đại biểu phải bàn biện pháp, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra ở các địa phương.
“Bây giờ bà con khổ lắm, nhà cửa không có, không có nước sạch để nấu cơm…” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị để khôi phục thiệt hại, trước mắt Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thuốc men để sau bão người dân không bị dịch bệnh, hỗ trợ thực phẩm để người dân không bị đói, giúp bà con trước mắt khôi phục nhà cửa, trường học, trụ sở… để cuộc sống bà con giảm bớt khó khăn.
Tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn những nạn nhân mất tích vẫn chưa tìm được hết, tiếp tục ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới, sửa chữa, trước mắt bố trí nơi ở tạm cho người dân.
Về các biện pháp lâu dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản về ứng phó với biến đổi khí hậu, xem có đúng với các dự đoán của chúng ta trước đó hay không để điều chỉnh. Thứ hai, cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Thứ ba phải đánh giá nguy cơ tổn thương do thiên tai để chuẩn bị nguồn lực ứng cứu.
“Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch chiến lược phát triển cho 2021 và cho những năm sắp tới” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham vấn để lồng ghép những nội dung này vào kế hoạch phát triển cho năm 2021 và những năm sắp tới.
“Vừa khắc phục hậu quả bão lũ vừa phòng chống nguy cơ thiên tai, chúng ta phải tính tới yếu tố này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận vấn đề này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải nhanh chóng bố trí quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi nơi có nguy lũ quét, sạt lở đất, phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, và hằng năm, trong ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương, phải chú ý tính đến nhiệm vụ này.