Cần gắn camera giám sát, xử lý hình sự đối với 'đinh tặc'!
Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 cận kề, lưu lượng người tham gia giao thông (nhất là xe máy) tăng rất nhiều trên đường, đặc biệt là tại các cửa ngõ TPHCM. Vấn đề mà cộng đồng đang quan tâm là lại rộ lên nạn rải đinh để 'bẫy' xe cộ lưu thông, vừa gây thiệt hại đến phương tiện, vừa gây nguy hiểm tính mạng của người dân. Cần có nhiều biện pháp mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn để xử lý triệt để nạn rải đinh trên các tuyến đường.
"Đinh tặc" chế đinh ngày càng tinh vi
Thời gian vừa qua, nạn rải đinh trên đường để "bẫy" xe máy, thậm chí ôtô lại tái diễn. Mới đây, ngày 25/8/2023, Đội CSGT Phú Lâm (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM) cùng công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO (gọi tắt là Công ty IDICO) tổ chức xe kéo hút đinh trên QL1A, đoạn qua địa bàn Q.Bình Tân. Chỉ trong vòng 30 phút di chuyển xe hút đinh trên QL1A ở cả 2 chiều, đoạn từ cầu vượt Tỉnh lộ 10 đến Trạm thu phí An Sương - An Lạc (Q.Bình Tân), lực lượng phối hợp gom được rất nhiều mảnh kim loại và đinh hình thoi, bị các đối tượng lén rải trên đường.
Như Chuyên đề Công an TPHCM phản ánh mới đây, nạn "đinh tặc" lại tiếp tục hoành hành trên QL1A, đoạn từ ngã tư Bình Phước kéo dài đến Khu chế xuất Linh Trung (TP.Thủ Đức), khiến người đi đường vô cùng bức xúc. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, nhiều trường hợp nạn nhân của "đinh tặc" bị tai nạn thương tâm.
Theo anh công nhân (Công ty IDICO) trực tiếp thu gom, xử lý các loại đinh bị rải trên đường, nếu người tham gia giao thông, nhất là xe máy cán trúng các mảnh đinh hình thoi này sẽ rất nguy hiểm. Anh công nhân này đã chứng kiến người tham gia giao thông chạy xe máy, cán đinh trên QL1A dẫn đến bị ngã xe. Bản thân anh trong lúc vận hành xe hút đinh, xe cũng bị cán đinh gây thủng lốp, phải thay ruột xe. Tình trạng rải đinh trên tuyến QL1A qua địa bàn Q.Bình Tân thường xuất hiện trước và sau các ngày lễ, tết. Lúc trước vào đợt cao điểm, có khi hút được tới 2kg mảnh đinh; thời gian gần đây đã giảm nhiều nhờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, tình trạng "đinh tặc" vẫn còn xảy ra.
Theo Đội CSGT Phú Lâm, việc hút đinh và các vật sắc nhọn trên QL1A được đơn vị phối hợp các cơ quan chức năng và Công ty IDICO thường xuyên tổ chức thực hiện, nhằm giúp cho người dân đi lại được an toàn, không xảy ra sự cố đáng tiếc. Lực lượng chức năng cùng Công an địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh sửa xe, vá xe trên tuyến QL1A cam kết không vi phạm. Các trường hợp vi phạm về rải đinh, vật sắc nhọn trên đường sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cần tính tới xử lý hình sự để răn đe
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Hoàng Mạnh Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: "Đối với hành vi rải đinh hoặc rải các thanh sắt cắt thành miếng nhằm chọc thủng lốp xe khi tham gia giao thông thì cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa. Cụ thể, cơ quan chức năng cần lập, ghi danh sách các điểm sửa xe, vá xe. Đặc biệt là không cho đối tượng sửa xe, vá xe ven đường mà không có đăng ký kinh doanh. Những người liên quan đến việc sửa xe, vá xe và các tiệm sửa xe có đăng ký kinh doanh phải ký cam kết với cơ quan Công an địa phương về việc không vi phạm. Cần phổ biến pháp luật cho họ biết nếu họ hoặc nhân viên của họ vi phạm pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe chung".
Cũng theo Luật sư Dũng, tại các tuyến đường thường xuyên bị kẻ gian rải đinh "bẫy" phương tiện giao thông, chính quyền cần lắp đặt camera giám sát, mục đích để "bắt tận tay, day tận cánh", nhằm xử lý hành vi này triệt để. Vì hoạt động của "đinh tặc" là hành vi trục lợi, gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác trong trường hợp xe tham gia giao thông bị cán đinh, bánh xì hơi, có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Lành (ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) bức xúc, nói: "Tôi gặp xe máy cán trúng miếng thép trên đường về quê ở Bến Tre mấy lần, khiến bản thân và vợ con tôi rất hoang mang. Vì xe chở nặng, bị xì lốp khiến tay lái rất dễ loạng choạng, nguy hiểm vô cùng. Hành vi rải đinh của kẻ xấu cần được các cơ quan chức năng quan tâm, xử lý quyết liệt. Theo tôi, hệ thống giám sát bằng camera là rất quan trọng và cần thành lập các tổ trinh sát để bắt quả tang những kẻ rải đinh trên đường. Việc này cần có trinh sát đeo bám đối tượng khả nghi thì mới khả thi, bởi vì các đối tượng rải đinh theo kiểu ngụy trang, khôn khéo che đậy hành vi của mình. Như trường hợp đối tượng ngồi sau xe máy, giả vờ làm rơi vãi đinh như kiểu "vô tình", khi đó chỉ có trinh sát đeo bám mới có thể bắt tại trận. Hơn nữa, việc xử phạt cũng cần nâng lên mới đủ sức răn đe, làm gương cho kẻ khác".
Cũng có trường hợp Công an phường, xã, thị trấn cử tổ công tác mật phục tại các "điểm nóng" rải đinh, tuy nhiên địa bàn rộng lại là vùng giáp ranh nên việc phát hiện các đối tượng rất khó khăn. Để cùng chung tay xử lý "đinh tặc", toàn dân cần tăng cường tham gia phòng, chống tội phạm, có thể tạo nhóm trên các ứng dụng, mạng xã hội để người dân phản ánh thông tin, hình ảnh kịp thời về các đối tượng rải đinh, có cơ sở để các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý.
Đã có những phiên tòa điểm xét xử các đối tượng sửa xe dạo, bị bắt quả tang đang rải đinh trên đường, tuy nhiên mức độ răn đe còn quá thấp, dẫn đến nạn "đinh tặc" vẫn hoạt động, gây bức xúc trong dư luận. Như vụ cặp vợ chồng Phạm Văn Cảnh (33 tuổi) - Bùi Thị Nga (30 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) bị TAND H.Bến Cát (nay là TX.Bến Cát, Bình Dương) xét xử sơ thẩm ngày 21/7/2011, Cảnh lãnh án 22 tháng tù, Nga 12 tháng tù, cùng về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Hai đối tượng này còn bị tòa án cấm hành nghề sửa xe trong 3 năm.
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2010 đến ngày 13/02/2011, Cảnh mua dây đai thép ở vựa ve chai về cắt thành những mảnh thép hình thoi để làm đinh. Khoảng 11 giờ 30 mỗi ngày, Cảnh lái xe máy, mang theo đinh rải trên đường dẫn đến tiệm sửa xe của mình để "bẫy" người đi đường. Xe của nạn nhân cán đinh bị nổ lốp, khi vào tiệm Cảnh sửa phải trả tiền thay ruột xe hoặc vá ruột với giá cao ngất ngưởng. Đến ngày 13/02/2011, trong lúc đang rải đinh trên đường ở xã Thới Hòa (H.Bến Cát), Cảnh bị các tình nguyện viên thuộc CLB Phòng, chống tội phạm P.Phú Hòa phối hợp Công an xã Thới Hòa bắt quả tang, tạm giữ tại chỗ hơn 200 đinh thép hình thoi. Kiểm tra tiệm sửa xe Thuận Phát của Cảnh, lực lượng chức năng tạm giữ thêm 2 kềm dùng để cắt đinh, nhiều vỏ, ruột xe đã hư hỏng. Cảnh khai đã thay 630 ruột xe, 130 vỏ xe và 30 cục IC cho các nạn nhân, thu lợi bất chính 12 triệu đồng. Vợ Cảnh thừa nhận biết chồng cắt đinh, đem rải trên đường, nhưng vì hám lợi bất chính nên vẫn đồng ý, tiếp tay cho chồng.
Hiện nay, việc hút đinh chỉ là biện pháp tạm thời, hạn chế nguy hiểm cho người lưu thông trên đường, vẫn chưa có giải pháp căn cơ để chấm dứt hành vi thất đức này. Tại các khu vực mà "đinh tặc" rải đinh đều có các tiệm sửa xe. Cần làm rõ ai hưởng lợi khi người đi đường cán trúng đinh, có phải là các tiệm sửa xe này không? Những tiệm sửa xe tại các "điểm nóng" mà "đinh tặc" hoạt động đa phần là người từ những nơi khác đến, lập chòi tạm bợ làm điểm sửa xe, làm ăn chụp giựt, hoạt động trong thời gian ngắn. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có biện pháp răn đe để ngăn chặn từ đầu, khi các đối tượng mới manh nha rải đinh trên đường "bẫy" xe cộ, để xe hư phải ghé tiệm cho các đối tượng sửa, kiếm sống bằng cách không lương thiện.
Trước đây, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tạm giữ Phạm Bá Quang (ngụ H.Nga Sơn, Thanh Hóa) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. Vào rạng sáng, tổ tuần tra Công an P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) phát hiện Quang lái xe máy, đang rải đinh trên tuyến QL51. Lực lượng chức năng tạm giữ một hộp nhựa đựng nhiều vật kim loại sắc nhọn. Tại cơ quan công an, Quang khai đã mua các thanh sắt có độ dày khoảng 2mm, mang về cắt nhỏ thành đinh nhọn hình thoi. Vào đêm tối, Quang lái xe máy, mang đinh tự chế rải dọc QL51 đoạn qua P.Tam Phước, gần tiệm sửa xe máy của Quang. Khi xe của người tham gia giao thông cán đinh, phải đưa vào tiệm sửa, Quang thu tiền vá ruột xe hay thay ruột xe, vỏ xe với giá rất cao.