Cần giải pháp cấp bách để chặn đà doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023, do khó khăn kéo dài có hơn 60.000 DN rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều số doanh nghiệp được thành lập. Đây là tình trạng đáng báo động, cần có giải pháp cấp bách để chặn đà doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Sự tồn tại của doanh nghiệp đang là thách thức
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường…
Cụ thể, trong khi, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2023 là 33.905 doanh nghiệp (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) thì có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Những số liệu trên đây cho thấy hiện tượng đi ngược xu hướng thời gian qua, nhất là ở quý 1 hằng năm số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động luôn cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, thực trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trưởng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đặt ra là đến 2025 phấn đấu Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp. Hiện nay đã là quý 1/2023 nhưng đồ thị số lượng doanh nghiệp lại cứ đi xuống, chưa chạm đến con số 1 triệu. Đây là bài toán vô cùng khó cho các nhà quản lý, cho chính phủ và chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.
Ở góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận, tình trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường hiện nay là rất đáng báo động. Điều này cho thấy sự tồn tại của doanh nghiệp đang là thách thức rất lớn đối với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và đương nhiên với cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Nguyên nhân được chỉ ra là do, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi ghê gớm trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu. Xung đột vũ trang Nga - Ukraine tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Đặc biệt gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ cũng sụp đổ.
Kỳ vọng vào cải cách hành chính và gói tài khóa 2023
Trước thực tế này, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn nhiều so với số thành lập mới và tái hoạt động những tháng đầu năm, một số “nút thắt” lớn của nền kinh tế đã bước đầu được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ như tín dụng cho sản xuất đã bớt căng thẳng hơn, lãi suất có dấu hiệu giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số giải pháp bước đầu từ Nghị định 08, quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, trước những biến động xảy ra trong hệ thống tài chính toàn cầu gần đây, để nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam ổn định phát triển, cần phải đưa ra được những dự báo cho tình hình tình hình thế giới để có phương án ứng phó. Bên cạnh đó, cũng cần phải đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như đánh giá lại "sức khỏe" doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, cơ quan quản lý, các bộ, ngành có trách nhiệm tạo cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng và dùng hàng Việt; mở rộng tìm kiếm thị trường mới; triển khai hiệu quả các gói tài khóa, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, năm 2023 dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ thực hiện một số chính sách cắt giảm, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo dự thảo nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6 và quý II/2023. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý 1,2 năm 2023 là khoảng 64.000 tỷ đồng - 65.000 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cục cho biết thêm, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý 1, 2 kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800-43.600 tỷ đồng…
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất, gia hạn thời hạn nộp thuế đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5 đến ngày 30/11/2023…
Để có thể trụ vững trên thương trường hiện nay, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi; đa dạng kênh tiếp cận vốn, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả từ các gói tài khóa như năm 2023.