Cần giải pháp cấp bách, quyết liệt

Trong những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức xấu. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, để cải thiện chất lượng không khí, cơ quan chức năng cần xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, đồng thời, cần thông tin cụ thể, đưa ra khuyến cáo cần thiết tới người dân.

Nồng độ bụi mịn vượt ngưỡng cho phép

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong thời gian từ ngày 12-9 đến 29-9, tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2003/BTNMT. Tuy nhiên, các chỉ số khác như khí nitơ, ozon, các-bon, lưu huỳnh vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Trong các ngày từ 25-9 đến 30-9, chỉ số AQI ở các trạm đo: Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, ở mức xấu.

 Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, chỉ số AQI cao nhưng chỉ xảy ra tại một số vị trí và một số thời điểm nhất định, tập trung vào khung giờ từ 0 giờ đến 6 giờ sáng. Bình luận về thực trạng không khí xấu trong những ngày gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Văn Tài phân tích, đây là hiện tượng mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa. Thời tiết giao mùa dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt khiến bụi bẩn bị nén ở tầng không khí thấp, làm gia tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí (ONKK).

Trước thông tin ứng dụng quan trắc không khí Air Visual xếp hạng TP Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây là kết quả không chính xác. Bởi tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ. Vì vậy, kết quả này chỉ mang tính đại diện cho duy nhất một địa điểm, không thể đại diện cho toàn TP Hà Nội. Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia trong lĩnh vực tầng Ozon cho rằng, để đánh giá được chính xác chất lượng không khí của toàn thành phố, số liệu quan trắc phải được lấy từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần từ các thời điểm khác nhau trong ngày thì mới có thể đánh giá đầy đủ.

Tại TP Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng diễn biến theo chiều hướng xấu khi xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa. Theo báo cáo của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ vào 6-7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1-9 đến 23-9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí. Tuy nhiên, nồng độ bụi PM 2.5 phần lớn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2003/BTNMT.

Ngoài thời tiết, còn nguyên nhân nào?

Ngoài lý do liên quan đến thời tiết, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị là do hoạt động giao thông, xây dựng, xử lý rác thải rắn. Đặc biệt là các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào do đốt rơm rạ.

Nhận định về việc bảo đảm chất lượng không khí trong thành phố, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có hạ tầng hệ thống mạng truyền dẫn 4G, 5G và thiết bị cảm biến tốt để nhận biết tình trạng ô nhiễm không khí. Các ứng dụng, phân tích số liệu dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn cũng hỗ trợ đáng kể để cơ quan chuyên môn đưa ra các đánh giá chính xác về chất lượng không khí.

Tuy nhiên, TS Hoàng Dương Tùng chỉ ra tồn tại, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn lúng túng trong việc chuẩn bị chuyên môn, đánh giá và phân tích số liệu, đưa ra các nhận định, khuyến cáo cụ thể về tình trạng ONKK cho người dân. Bên cạnh đó, mặc dù các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, xử lý chất thải rắn đã được cơ quan quản lý quan tâm trong thời gian vừa qua nhưng môi trường không khí chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể như, chính quyền thành phố chưa có mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể theo từng năm, chưa có chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm.

Trước diễn biến ONKK kéo dài liên tục trong những ngày qua, đại diện Tổng cục Môi trường nhận định, tình trạng ô nhiễm còn tiếp diễn trong những ngày tới. Cụ thể, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn. Vì vậy, nồng độ bụi mịn PM2.5 có thể vẫn ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là đêm và sáng sớm.

Nên dùng khẩu trang tránh được bụi mịn

Trước thực trạng trên, PGS, TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, ONKK sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch... “Chúng tôi khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng", PGS, TS Vũ Văn Giáp chia sẻ. Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân bệnh hô hấp nếu vẫn khó thở, cần liên lạc ngay với bác sĩ điều trị, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ. PGS, TS Vũ Văn Giáp khuyến cáo, người dân khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Người dân phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường không thể cản được hạt bụi siêu mịn).

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, TS Hoàng Dương Tùng đưa ra đề xuất, cần phải xác định rõ đâu là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí để từ đó ưu tiên biện pháp giải quyết. Đặc biệt, cần thông tin cụ thể về chất lượng không khí và đưa ra khuyến cáo cần thiết tới người dân. Trong khi đó, TS Sumeet Saksena, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Đông-Tây của Mỹ khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung vào thực hiện quản lý chất lượng không khí, thu thập dữ liệu, đánh giá chính xác thực trạng. Ngoài ra, ông Sumeet cũng cho rằng, Việt Nam cần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường không khí.

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khuyến nghị, một trong những biện pháp cơ quan quản lý cần làm trước mắt để nâng cao chất lượng không khí là quyết liệt kiểm tra, kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng tại nội đô. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng, giảm mật độ phương tiện cá nhân lưu thông. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng dân cư sử dụng nhiên liệu sạch trong sinh hoạt; giảm thiểu khí thải từ hoạt động xử lý chất thải rắn tại các điểm bãi chôn lấp. Đặc biệt, người dân khu vực ngoại thành có thói quen đốt rơm rạ, vì vậy, chính quyền phải có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng này để hạn chế phát thải khói bụi.

MY HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-giai-phap-cap-bach-quyet-liet-592509