Cần giải pháp đồng bộ
Ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, số cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản và chưa có biện pháp hiệu quả hạn chế các nguồn gây tác động đến môi trường vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.
Do đó, cần giải pháp đồng bộ, nhất là những chính sách hỗ trợ thiết thực để ngành chế biến lâm sản phát triển bền vững, đặc biệt là giải pháp căn cơ trong đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như hình thành được các khu, cụm công nghiệp sản xuất tập trung cho ngành sản xuất giàu tiềm năng này.
* Phát triển nguồn nguyên liệu
Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành chế biến lâm sản là không chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Thực trạng hiện nay, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm do chính sách bảo vệ môi trường, nguyên liệu đầu vào phải có chứng chỉ xuất xứ, phụ thuộc vào nhập khẩu. Việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như: giá nguyên liệu thường biến động, khó chủ động được nguồn nguyên liệu, không nắm rõ được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu nhập làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có gần 47,9 ngàn ha rừng trồng. Tổng lượng rừng trồng đạt sản lượng 1,2 triệu m3 gỗ, tập trung nhiều ở TP.Long Khánh và các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc... Ngoài ra, khai thác gỗ từ nguồn cây cao su, cây ăn trái, cây lâu năm... Tuy nhiên, sản lượng gỗ khai thác hiện nay chỉ đáp ứng được 17,6% nhu cầu chế biến, còn lại là thu mua ở ngoài tỉnh và nhập khẩu khoảng 200 ngàn m3 gỗ/năm.
Theo đó, mục tiêu trong đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra là phấn đấu 100% sản phẩm gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc hợp pháp; phấn đấu nguồn nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vào năm 2025 và tiếp tục tăng lên đáp ứng được khoảng từ
70-80% vào năm 2030.
Đề án cũng đưa ra định hướng phát triển rừng sản xuất, hệ thống giống cây rừng đáp ứng mục tiêu đề ra. Trong đó, cần rà soát, đánh giá diện tích đất trồng và rừng trồng sản xuất hiện có nhằm xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn, diện tích rừng đến tuổi khai thác, có điều kiện lập địa phù hợp có thể trồng lại rừng theo hướng thâm canh; diện tích đất trồng có khả năng đưa vào trồng mới theo hướng thâm canh để kinh doanh rừng gỗ lớn. Phát triển rừng trồng nguyên liệu cây gỗ lớn gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng hiện có và trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Ngoài ra, công tác nghiên cứu và chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao các giống mới vào sản xuất.
* Di dời vào khu công nghiệp
Đề án cũng đề ra mục tiêu thu hút khoảng 30% doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp; xây dựng được 2 cụm công nghiệp sản xuất chế biến gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần xây dựng chính sách hỗ trợ di dời phù hợp với điều kiện và nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản.
Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, hiện diện tích rừng trồng của H.Xuân Lộc có hơn 10 ngàn ha. Toàn huyện có 9 doanh nghiệp sản xuất gỗ, 47 hộ sản xuất, kinh doanh gỗ. Huyện cũng đang đề nghị thành lập làng nghề chủ yếu sản xuất đồ gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ ở xã Xuân Tâm. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện đều đã được lấp đầy, riêng Cụm công nghiệp Xuân Hưng (xã Xuân Hưng) đang triển khai đầu tư hạ tầng. Việc di dời các cơ sở, doanh nghiệp nghiệp gỗ trên địa bàn huyện vào khu, cụm công nghiệp càng khó khăn vì các cơ sở, đơn vị này đã đầu tư cơ sở sản xuất... “Trong đề án có chọn H.Xuân Lộc là trung tâm sản xuất và chế biến lâm sản, đề án cần định hướng rõ ràng để địa phương quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Ở đây, cần cơ chế cụ thể, nhất là những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như các cơ sở, doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, lâm sản” - ông Sơn nói.
Cùng quan điểm Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa kiến nghị, số lượng các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, lâm sản hiện vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn rất ít. TP.Biên Hòa là địa phương tập trung khá lớn các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn sản xuất trong khu dân cư. Khi đề án được ban hành và triển khai thực hiện, nhất là trong việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ với lộ trình, kế hoạch thực hiện hết sức cụ thể theo từng năm để địa phương cùng đồng hành với chủ đầu tư triển khai đề án hiệu quả.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202103/can-giai-phap-dong-bo-3048863/