Cần giải pháp đồng bộ, mạnh tay, quyết liệt

Thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền luôn đề cao quyết tâm chính trị đối với nhiệm vụ giữ rừng, nhưng do buông lỏng công tác quản lý ở cơ sở, cùng với những kẽ hở của luật pháp khiến nhiều cánh rừng tại Lâm Đồng liên tục bị triệt hạ.

Vì sao hành vi phá rừng diễn ra liên tục, trắng trợn?

Đến nay, đã gần hai tháng trôi qua nhưng thủ phạm của vụ phá rừng nghiêm trọng nhất tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn chưa được lôi ra ánh sáng. Trước đó, ngày 17-5, cơ quan chức năng phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn. Hơn 1ha rừng thông có tuổi đời hàng chục năm, thuộc diện rừng phòng hộ cảnh quan tại khoảnh 15, tiểu khu 148B thuộc địa phận phường 8, TP Đà Lạt bị các đối tượng phá trắng. Mặc dù, sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn "bặt vô âm tín".

Điều đáng nói, trong khi thủ phạm của vụ phá rừng nghiêm trọng nêu trên chưa được phát hiện, xử lý thì các vụ phá rừng khác vẫn liên tiếp xảy ra, cụ thể: Ngày 27-5, một vụ phá rừng diễn ra tại tiểu khu 484, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, với diện tích rừng bị phá lên đến 9.400m2. Cũng vào thời điểm này, nhiều diện tích rừng đặc dụng dưới sự quản lý của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại khu vực tiểu khu 158C nằm trên địa bàn phường 5 (TP Đà Lạt) cũng bị triệt hạ. Tại đây, các đối tượng còn bao chiếm gần 1.000m2 đất rừng để lập vườn trái phép, làm đường bê tông xuyên qua đất rừng; san ủi cải tạo đất, trồng cây ăn quả trái phép trên đất lâm nghiệp...

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 148B, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vào tháng 5-2022.

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 148B, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vào tháng 5-2022.

Liên tiếp các vụ phá rừng nghiêm trọng, với tính chất manh động, coi thường luật pháp xảy ra tại TP Đà Lạt khiến dư luận hết sức bức xúc. Dư luận xã hội đặt vấn đề: Một nhành cây bị chặt còn có dấu vết chứng cứ, huống hồ những diện tích rừng lớn như vậy ngang nhiên bị đốn hạ, lẽ nào "con voi chui lọt lỗ kim", không tìm được thủ phạm? Tại sao giữa địa bàn thành phố du lịch, hành vi phá rừng lại có thể diễn ra trắng trợn đến như vậy? Trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu...?

Những câu hỏi này khi chưa có câu trả lời thỏa đáng thì số phận những cánh rừng tiếp theo khó mà bảo đảm an toàn!?.

Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là cần, nhưng chưa đủ

Tháng 2-2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng khẩn trương xác định cụ thể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra tại các địa phương, yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền (cấp huyện, xã), các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm... Thời gian gần đây đã có hàng chục cán bộ, nhân viên thuộc các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, UBND các xã bị kỷ luật, đình chỉ công tác, thậm chí bị khởi tố vì vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng. Tính chung từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xử lý 374 trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, trong đó có cả cán bộ cấp xã. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe, kết quả đến nay vẫn chỉ là "đá ném ao bèo", "bắt cóc bỏ đĩa"... Xử lý nơi này thì phá rừng lại diễn ra ở nơi khác, địa phương khác. Tình trạng phá rừng tại Lâm Đồng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng phát hiện 80 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại là 22,5ha, tổng lượng lâm sản thiệt hại 699m3.

Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng lý giải nguyên nhân mà địa phương chưa làm tốt công tác quản lý và để xảy ra nhiều vụ phá rừng là do tỉnh có diện tích rừng rộng, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, phức tạp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Cùng với đó, lực lượng quản lý, bảo vệ mỏng, chế độ đãi ngộ thấp, cường độ làm việc cao nên thời gian qua, nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng đã xin nghỉ việc. Đặc biệt, thời gian gần đây, “cơn sốt đất” tại Lâm Đồng diễn ra, khiến giá đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp tăng chóng mặt từng ngày. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến rừng nhiều nơi bị xâm hại, lấn chiếm.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng tại Nghị quyết số 10-NQ/TU, thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm chưa quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng; chưa thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; nội dung, hình thức, biện pháp triển khai chưa hiệu quả, chưa thật sự đến được với mọi người dân, mọi đối tượng, nhất là những người dân sống và canh tác trong và ven rừng. Một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án bố trí lực lượng không có chuyên môn, nghiệp vụ, bị động, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tình huống, để mất rừng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng có hành vi phá rừng, vi phạm pháp luật chưa tới mức xử lý hình sự thì cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt theo Nghị định số 35/2019/ NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi. Tuy nhiên, mức xử phạt theo quy định của các nghị định này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện Hoàng Văn Quân, 26 tuổi, ngụ tại phường 12, TP Đà Lạt phá 1.000m2 rừng tại tiểu khu 143 thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Số lượng lâm sản bị thiệt hại gồm 59 cây thông 3 lá, với trữ lượng gỗ hơn 25m3. Tuy nhiên, với diện tích và khối lượng gỗ trên, chưa đủ yếu tố xử lý hình sự. Do đó, đối tượng này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 11 triệu đồng”-một lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương nêu ví dụ.

Thực trạng phá rừng và tính chất nghiêm trọng, trắng trợn của những vụ phá rừng gần đây cũng như tiến độ điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho thấy, cần phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh tay, quyết liệt hơn. Bảo vệ không gian xanh ở Lâm Đồng, đặc biệt là TP Đà Lạt không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, nhằm bảo vệ môi trường cho "thiên đường" du lịch của cả nước. Muốn giữ được rừng phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh tay, quyết liệt.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-giai-phap-dong-bo-manh-tay-quyet-liet-698797