Cần giải pháp đồng bộ và thích ứng linh hoạt với việc thiếu nguồn nước phát điện
Nắng nóng, khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino nhiều tháng nay đã làm các hồ thủy điện ở các địa phương trong cả nước, trong đó có các hồ ở khu vực Tây Bắc cạn nước. Các thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình đang giảm công suất phát điện và không ít thủy điện vừa và nhỏ phải ngừng hoạt động.
Cụm thủy điện Nậm Lụm 1 và Nậm Lụm 2 tại xã Bản Lang và xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có tổng công suất 26 MW mới được đưa vào vận hành sản xuất điện vào đầu năm nay. Đây là 2 trong số hơn 40 thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương (tổng công suất gần 880 MW) đang vận hành, hòa lưới điện quốc gia.
Theo kế hoạch, năm 2023 này, 2 nhà máy trên sẽ sản xuất gần 10 triệu kWh điện. Tuy nhiên, hạn hán kéo dài nhiều tháng qua làm mực nước hồ đập giảm sâu, khiến lượng điện sản xuất ra mới đạt gần 30% kế hoạch và đang đứng trước nguy cơ ngừng phát điện do thiếu nước.
Ông Nguyễn Quang Sang, Giám đốc Nhà máy thủy điện Nậm Lụm 1 - Nậm Lụm 2, tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, thời điểm hiện tại là thời điểm khó khăn nhất khi mà chúng tôi phải chia sẻ nguồn nước sạch cùng với người dân. Để đảm bảo được kế hoạch phát điện, hiện tại công ty đang chủ động điều chỉnh phương thức phát điện, ưu tiên phát điện trong giờ cao điểm. Đồng thời đang rất tích cực phối hợp với các đơn vị thủy nông, chính quyền địa phương để điều tiết nguồn nước, để có thể sử dụng tối đa nguồn nước vào phát điện trước khi trả lại phía hạ du cho người dân sản xuất.
Nằm ở nấc thang trên cùng dòng chính sông Đà, nhà máy thủy điện Lai Châu có 4 tổ máy, với công suất 1.200MW. Ngoài mục tiêu phát điện, hồ thủy điện Lai Châu còn có mục đích điều tiết nước cho hai nhà máy thủy điện lớn ở hạ lưu là Sơn La và Hòa Bình. Thế nhưng, trong 4 tháng đầu năm nay, lưu lượng nước ở hồ thủy điện Lai Châu chỉ bằng 71% so với trung bình nhiều năm.
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - đơn vị quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La cho biết: Đến hết ngày 22/5, nhà máy thủy điện Lai Châu mới sản xuất được gần 415 triệu kWh, bằng khoảng 53% so với cùng kỳ năm trước. Cũng ở thời điểm trên, mực nước hồ thủy điện Lai Châu thấp hơn 20,83m so với cùng kỳ năm 2022.
"Qua theo dõi các hồ chứa thủy điện bên Trung Quốc thuộc lưu vực sông Đà đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm nay. Chính vì vậy nguồn nước thủy điện Lai Châu và Sơn La cũng thiếu giảm nghiêm trọng. Hiện tại, toàn bộ các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và sông Đà ở Việt Nam, bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà và Tuyên Quang đều cách mực nước chết khoảng 2 mét; đặc biệt là hồ Thác Bà và hồ Lai Châu đã về đến mực nước chết", ông Khương Thế Anh cho biết.
Mực nước các hồ chứa thủy điện giảm dần, đồng nghĩa với việc công suất phát điện cũng sẽ giảm theo. Cụ thể, như thủy điện Sơn La và Lai Châu, công suất phát điện 1 tổ máy là 400MW ở mực nước dâng bình thường; nhưng khi giảm đến mực nước chết, thì công suất của 1 tổ máy chỉ phát được 250MW. Ở mực nước của các hồ chứa như hiện nay, công suất phát điện đang giảm khoảng 60% so với công suất định mức.
Ông Khương Thế Anh cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc chủ động khai thác các biện pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Dựa vào nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện đơn vị đang xây dựng phương án vận hành liên hồ chứa theo phương án linh hoạt.
"Với dự báo hạn hán trong năm 2023 - 2024 như thế này, Công ty thủy điện Sơn La xin đề xuất với các bộ, ban, ngành và địa phương vào cuối mùa lũ cho phép dâng mực nước lên vượt mức nước dâng bình thường để trữ nước cung cấp cho mùa khô. Còn đối với đồng bằng Bắc bộ thì xin kiến nghị với địa phương, cũng như Bộ Nông nghiệp có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đối phó với hạn hán", ông Khương Thế Anh nói.
Tình trạng hạn hán khiến mực nước tại các hồ chứa giảm mạnh, đi liền với đó là công suất phát điện giảm theo. Chuỗi ảnh hưởng hưởng này dự báo sẽ kéo dài sang cả năm tới. Đây là khó khăn, thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng quốc gia.
Để giải bài toàn này, rất cần sự chung tay của các bộ, ban, ngành, địa phương và người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, cũng như có biện pháp cụ thể để thích ứng với điều kiện thiếu hụt nguồn năng lượng./.