Cần giải pháp đột phá về thể chế
Chia sẻ với PV Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (ảnh), giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân), cho rằng, kinh tế tư nhân so với năm đầu đổi mới đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, rào cản. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại một số rào cản khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển được như mong muốn.

Thứ nhất, rào cản lớn nhất hiện nay là thể chế. Cho đến nay, mặc dù đã hoàn thiện thể chế với quan điểm cạnh tranh bình đẳng ở mọi loại hình kinh tế nhưng nhìn kĩ, thấy rằng kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo, kinh tế tư nhân ở đâu đó phía sau. Quan điểm tổng thể là bình đẳng giữa các loại hình kinh tế nhưng thực tế không phải.
Rào cản thứ hai liên quan đến cơ chế phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam có nhiều yếu tố không thuận buồm xuôi gió. Có thể bắt nguồn từ đầu vào của kinh tế tư nhân như khả năng tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, tiếp cận lao động, cơ chế chính sách.
Theo ông Lạng, kinh tế tư nhân muốn tiếp cận những nội dung này phải thông qua trung gian, thông qua tập đoàn kinh tế nhà nước, thông qua cơ quan khác vì tiếp cận trực tiếp không dễ dàng (chỉ vài tập đoàn lớn tiếp cận được). Động lực phát triển kinh tế tư nhân không được khơi thông, đôi khi còn tạo điều kiện để hình thành các nhóm lợi ích làm cho môi trường kinh doanh trở nên phức tạp, thiếu minh bạch.
“Chúng ta đã cải cách nhưng chi phí môi trường cạnh tranh vẫn rất cao, đặc biệt còn liên quan đến hành xử khác nhau giữa các địa phương với doanh nghiệp tư nhân. Địa phương có chính sách phát triển rộng mở như TPHCM, khác với một số tỉnh miền Trung, miền Bắc… nên các doanh nghiệp tư nhân cảm thấy không đồng nhất trong chính sách”, ông Lạng chia sẻ.
Theo ông Lạng, tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân quy mô không lớn, khả năng sáng tạo không mạnh, Vì thiếu động lực, văn hóa kinh doanh phải ẩn mình… nên họ có lo lắng bất an về môi trường đầu tư.
Những lo lắng bắt nguồn từ việc nếu phát triển mạnh có khi lại thu hút sự quan tâm của cơ quan chức năng, lại phải chi nhiều, rồi trách nhiệm xã hội cũng lớn, họ phải làm việc với rất nhiều đầu mối, phần còn lại của họ không thỏa đáng. Do đó, thể chế vẫn cần hoàn thiện.
Ngoài ra kinh tế tư nhân còn đối mặt với vấn đề cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có nguồn lực lớn, lấn át. Đây là rào cản cạnh tranh. Ngoài những rào cản trên còn có rủi ro chính sách, tụt hậu…
Về giải pháp, PGS Lạng đề xuất, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, trong đó có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới, giai đoạn vươn mình để trở thành thành phần kinh tế mạnh tương đương với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI như công nghệ, quản lí, xuất khẩu, khai thác các nguồn lực phát triển, giải quyết vấn đề xã hội.
Kinh tế tư nhân phải được coi là thành phần số 1 tại Việt Nam. Chiến lược 5 năm tới kinh tế tư nhân phải thay đổi cơ bản trạng thái, từ vị trí thứ 4-5 lên hàng đầu.
Cần hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện minh bạch, đơn giản, liêm chính trong kinh doanh. “Nhà nước phải đặt hàng doanh nghiệp tư nhân như đường cao tốc, chuyển đổi năng lượng… để họ có điều kiện làm ăn lớn lên, đơn hàng bé thì doanh nghiệp khó mà lớn”, ông Lạng nói.
Ông lấy ví dụ thời gian qua, 200 cầu vượt nhẹ ở Hà Nội đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực cơ khí phát triển. Nhà nước phải tạo đơn hàng lớn cho kinh tế tư nhân. Thậm chí có cơ chế hỗ trợ khi đặt các đơn hàng đó. Hoặc doanh nghiệp tư nhân có đơn hàng nước ngoài, Nhà nước phải có giải pháp hỗ trợ họ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-giai-phap-dot-pha-ve-the-che-post1729127.tpo