Cần giải pháp thúc đẩy 'điện sạch' cho trạm sạc xe điện
Theo giới chuyên môn, cần thiết có giải pháp tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc sạc xe điện, nhằm góp phần giải quyết tận gốc việc thiếu điện và đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho xe điện.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng và phát triển của thị trường xe điện trên thế giới, cũng như Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu cho cuộc sống xanh, giao thông xanh.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn điện từ nhà máy điện truyền thống như nhiệt điện than, khí để cung cấp cho trạm sạc xe điện thì bản chất vẫn là dùng nhiên liệu hóa thạch, chưa thể đáp ứng triệt để mục tiêu của Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (Quyết định số: 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022).
Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước thực trạng có nhiều nguồn năng lượng tái tạo, nhưng nguồn điện chính phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt vẫn thiếu cục bộ.
Với tốc độ phát triển nhanh về số lượng phương tiện xe điện hiện nay, thì lượng điện tiêu thụ mới mỗi năm sẽ gia tăng đáng kể.
Do vậy, chuyên gia năng lượng Nguyễn Hữu Khoa, giảng viên Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM cho rằng, cần thiết có giải pháp tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc sạc xe điện, nhằm góp phần giải quyết tận gốc bài toán trên.
Là đơn vị đầu tiên đã đầu tư trạm sạc nhanh DC công suất lớn sử dụng nguồn điện mặt trời mái nhà để phục vụ cho việc sạc xe điện mà không cần đến nguồn điện lưới, đại diện Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ thông minh Focus đánh giá, ưu điểm của các trạm sạc xe điện sử dụng năng lượng mặt trời, có lưu trữ sẽ giúp cho việc sạc ô tô điện liên tục không bị quá tải, không bị ảnh hưởng bởi việc cắt điện.
Ngoài ra, các trạm sạc còn kết hợp được với dừng nghỉ để phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm trong lúc chờ sạc xe điện, cùng đó sẽ phát triển Trung tâm Nghiên cứu năng lượng tái tạo và trạm sạc xe điện; phát triển mạng lưới trạm sạc với app...
Dẫn chứng hệ thống trạm sạc SolarEV sử dụng pin lưu trữ LiFePo4 và các thiết bị chuyển đổi công suất lớn (Hệ thống lưu trữ từ 100kWh đến 2MWh, trụ sạc nhanh DC 60kW đến 250kW), Focus cho biết, hệ thống hoạt động độc lập hoàn toàn không đấu nối lưới điện.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, với công suất lớn, hệ thống này đảm bảo kết nối được với hệ thống điện mặt trời hòa lưới đã lắp đặt trước đây nhằm tăng công suất, giảm chi phí đầu tư, sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Với những thuận tiện trên, chuyên gia năng lượng Nguyễn Hữu Khoa nhận định, đây sẽ là mô hình trong tương lai, vừa mang lại nhiều thuận tiện, lại đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho xe điện.