Cần giải pháp toàn diện
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã họp trực tuyến về tình hình Li-bi và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Li-bi (UNSMIL) trong bối cảnh những quan ngại ngày càng gia tăng về tình hình chiến sự leo thang ở quốc gia Bắc Phi. Các vụ tiến công nhằm vào dân thường, cơ sở dân sự, pháo kích và tiến công bằng tên lửa vào các cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Tơ-ri-pô-li khiến mối đe dọa an ninh trở nên đặc biệt nghiêm trọng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã họp trực tuyến về tình hình Li-bi và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Li-bi (UNSMIL) trong bối cảnh những quan ngại ngày càng gia tăng về tình hình chiến sự leo thang ở quốc gia Bắc Phi. Các vụ tiến công nhằm vào dân thường, cơ sở dân sự, pháo kích và tiến công bằng tên lửa vào các cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Tơ-ri-pô-li khiến mối đe dọa an ninh trở nên đặc biệt nghiêm trọng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang ở Li-bi đã đẩy đất nước này đến bờ vực của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với Tướng K.Háp-ta hậu thuẫn chính quyền ở miền đông mở các chiến dịch tiến công thủ đô Tơ-ri-pô-li, nơi đặt trụ sở Chính phủ Đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) được LHQ ủng hộ. Đáng chú ý, các bên tham chiến ở Li-bi nhận được sự hậu thuẫn từ bên ngoài, khiến tình hình thêm phức tạp.
GNA được I-ta-li-a, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, trong khi LNA nhận được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất và sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga.
Gần đây, các lực lượng thân cận với GNA đã tổ chức phản công và giành lại nhiều vị trí quan trọng bị LNA chiếm giữ. Lực lượng ủng hộ GNA đã tiến hành các cuộc không kích phá hủy hệ thống phòng không và bắn hạ máy bay không người lái của LNA. Tất cả các loại khí tài này đều do bên ngoài cung cấp cho LNA. Lực lượng miền đông đã đáp trả bằng các cuộc tiến công nhằm vào dân thường. Trong ba tháng đầu năm, giao tranh khiến hơn 60 dân thường chết và gần 100 người bị thương, hơn 200 nghìn người ở thủ đô Tơ-ri-pô-li và khu vực lân cận bị mất nơi cư trú.
Lực lượng ủng hộ GNA đã giành những bước tiến đáng kể, “lật ngược thế cờ” trong cuộc chiến kéo dài gần một năm qua với LNA, trong đó giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn căn cứ không quân Oa-ti-y-a ở phía tây-nam Tơ-ri-pô-li.
LNA đã buộc phải rút khỏi các khu vực của thủ đô. Đây là một đòn mạnh giáng vào chiến dịch của LNA nhằm đánh chiếm thủ đô, bởi căn cứ Oa-ti-y-a có ý nghĩa chiến lược đối với LNA.
Trước quan ngại về nguy cơ leo thang xung đột ở Li-bi, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M.Ca-vu-xô-glu mới đây nhất trí ủng hộ một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Li-bi. Hai bên khẳng định cần nối lại tiến trình chính trị của LHQ tại quốc gia Bắc Phi. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm và Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã thảo luận các mối quan ngại về “sự can thiệp của nước ngoài đang trở nên tồi tệ” tại Li-bi và nhất trí về sự cần thiết phải giảm leo thang khẩn cấp.
Các nỗ lực quốc tế nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột và khủng hoảng ở Li-bi đã được xúc tiến, song chưa đạt kết quả mong muốn. LHQ đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán, trong khi Đức đã chủ trì một hội nghị quốc tế về Li-bi, song dường như các nỗ lực ngoại giao bị các bên liên quan phớt lờ và các cam kết về ngừng bắn bị “rơi vào quên lãng”. LHQ đã lên án những vụ tiến công nhằm vào các cơ quan ngoại giao ở Tơ-ri-pô-li như Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và nhà riêng Đại sứ I-ta-li-a xảy ra gần đây. LHQ kêu gọi các bên liên quan tại Li-bi chấm dứt chiến sự để bảo đảm đầy đủ các hoạt động tiếp cận nhân đạo và y tế. Tuy nhiên, một trong những nhân tố “tiếp lửa” cho cuộc xung đột ở Li-bi tiếp diễn là việc tuồn vũ khí từ bên ngoài vào quốc gia Bắc Phi. Trước diễn biến phức tạp này, Chủ tịch Ủy ban trừng phạt Li-bi nhấn mạnh, các bên liên quan ở Li-bi và các quốc gia thành viên có trách nhiệm thực thi đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA liên quan Li-bi.
Trong bối cảnh mâu thuẫn nội tại sâu sắc và sự can thiệp của bên ngoài khiến tình hình Li-bi ngày càng phức tạp, một giải pháp chính trị toàn diện do người Li-bi dẫn dắt và làm chủ là nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh của quốc gia Bắc Phi. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan sớm trở lại đàm phán trên ba kênh đối thoại chính trị, kinh tế và quân sự phù hợp Nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an LHQ về văn kiện Hội nghị Béc-lin về Li-bi; sớm chấp thuận dự thảo thỏa thuận ngừng bắn do UNSMIL đưa ra hồi tháng 2 vừa qua. Việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và bảo đảm tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay nhằm tránh cho Li-bi phải hứng chịu một thảm kịch tồi tệ.