Cần giải quyết dứt điểm những thắc mắc tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên
Một số đơn, ý kiến phản ánh tình trạng: Thời gian qua, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên phẫu thuật tán nhuyễn đục thủy tinh thể bằng sóng siêu âm (phương pháp phaco, là kỹ thuật được thực hiện thường quy) cho một số bệnh nhân không thành công; mua sắm máy siêu âm mắt không có hồ sơ; trong thời gian đi học mà bác sĩ (BS) vẫn ký kết quả siêu âm; BS chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn ký đơn thuốc... Vậy đâu là sự thật?
Kết luận rõ ràng, khách quan
Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, Nguyễn Vi Hồng, cho biết: Một số đơn, ý kiến phản ánh Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thực hiện một số cuộc phẫu thuật mắt chưa thành công, trang bị máy siêu âm mắt có khuất tất, việc sử dụng nhân lực thiếu nguyên tắc... làm cho cán bộ, BS ở đây có nhiều tâm tư. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân nên chúng tôi đã thành lập tổ công tác, tiến hành kiểm tra, xác minh các nội dung liên quan một cách minh bạch, công tâm, khách quan. Trên cơ sở đó, sẽ xử lý nghiêm những vi phạm, sai phạm.
Ngày 15-5-2019, Sở Y tế Thái Nguyên ban hành Kết luận số 1006/KL- SYT, kết luận nội dung tố cáo Bệnh viện Mắt Thái Nguyên. Theo đó, bảy trường hợp được phẫu thuật mắt bằng phương pháp phaco được coi là có sự cố trong vòng gần ba năm qua, trang bị máy siêu âm mắt, sử dụng nhân lực được kết luận.
Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa, 65 tuổi ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vào viện được chẩn đoán chính xác là mắt phải đục thủy tinh thể gần hoàn toàn, hai mắt quặm độ IV, mắt phải đếm ngón tay 1,5m, mắt trái thị lực còn 5/10. Sau khi phẫu thuật bằng phương pháp phaco, bà Hoa bị đau nhức mắt, giác mạc phù nề, tiền phòng có tyndal(+) và bệnh viện đã kịp thời chẩn đoán, phác đồ điều trị và chỉ định sử dụng thuốc đều đúng nên sau xử lý ổn định. Bà Hoa được ra viện, hết cảm giác cộm mắt và mi vểnh, từ khi ra viện đến nay là một năm, không có ý kiến gì đối với các BS phẫu thuật là Nguyễn Mạnh Hùng và Ngô Văn Tập.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Lưu, 48 tuổi ở xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên vào viện với mức độ hai mắt đục thủy tinh thể hoàn toàn, được BS Nguyễn Mạnh Hùng phẫu thuật mắt phải. Sau khi phẫu thuật ông Lưu nôn nhiều và chóng mặt, xác định đây là trường hợp tai biến nên được uống thuốc chống nôn, truyền dịch, sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhân ổn định, bốn ngày sau được ra viện trong tình trạng giác mạc mắt phải trong, tiền phòng sạch, kính nội nhãn cân.
Mười ngày sau, bệnh nhân Lưu lại vào Bệnh viện Mắt và được BS Nguyễn Văn Hữu phẫu thuật và điều trị mắt bên trái. Khi ra viện, thị lực mắt trái ông Lưu được cải thiện, đếm được ngón tay 0,5m, điều đó cho thấy BS Nguyễn Văn Hữu đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn trong điều trị.
Trường hợp đang mổ mắt bằng phương pháp phaco thì buộc phải dừng lại để chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Mắt T.Ư, gồm các bệnh nhân Nguyễn Văn Nhuận, 60 tuổi ở xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên; Hoàng Thị Chinh, 65 tuổi ở xã Tân Đức, huyện Phú Bình; Nguyễn Đức Thu, 64 tuổi ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình và Nguyễn Thị Châm, 62 tuổi ở phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên, Sở Y tế Thái Nguyên xác định: Các bệnh nhân đều được khám, chẩn đoán đúng bệnh, thực hiện đúng quy trình phẫu thuật bằng phương pháp phaco, trong quá trình phẫu thuật thì phát hiện bệnh ngoài khả năng nên phải dừng lại để chuyển lên Bệnh viện Mắt T.Ư, cụ thể:
Diễn biến phẫu thuật đối với bệnh nhân Nhuận, đến thì rửa hút một phần chất nhân bám chặt vào bao sau nên không thể hút được, kíp mổ do BS Nguyễn Văn Hữu chủ trì dừng phẫu thuật không đặt thủy tinh thể nhân tạo để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đây là cách xử lý hoàn toàn đúng theo khuyến cáo và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Mắt T.Ư và trường hợp này Sở Y tế chưa phê duyệt danh mục kỹ thuật cho Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thực hiện.
Tương tự như vậy, trong quá trình phẫu thuật mắt cho ông Nguyễn Đức Thu, sau khi đặt thủy tinh thể nhân tạo, đến thì rửa hút lại, một phần chất nhân bám chặt vào bao sau nên không thể hút được, kíp phẫu thuật do BS Nguyễn Mạnh Quỳnh chủ trì quyết định dừng mổ (là lý do khách quan) để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên có các điều kiện về kỹ thuật để cắt bao sau, cắt dịch kính. Theo Sở y tế, đây là quyết định đúng, vì cố hút sẽ làm rách bao dẫn đến nguy cơ ra dịch kính, sa thủy tinh thể nhân tạo vào buồng dịch kính, bong võng mạc, tổn thương nội mô giác mạc.
Theo khuyến cáo và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Mắt T.Ư, trong quá trình phẫu thuật, nếu phát hiện trường hợp như vậy thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị và Bệnh viện Mắt Thái Nguyên chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật những bệnh lý này. Khi ra viện, thị lực của ông Thu được cải thiện với mức 2,5/10, đến nay gần nửa năm ông Thu không có ý kiến hay thắc mắc gì.
Một trường hợp khác, quá trình phẫu thuật mắt cho bà Nguyễn Thị Châm diễn biến bình thường, sau khi rửa hút sạch chất nhân, phẫu thuật viên là BS Nguyễn Văn Hữu quan sát phát hiện khối tổ chức hóa dịch kính bám vào bao sau, kíp mổ quyết định dừng mổ không đặt thủy tinh thể nhân tạo để chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Mắt T.Ư thực hiện cắt dịch kính bán phần sau. Trường hợp này dừng mổ và chuyển viện là đúng, vì kíp mổ xác định tính chất của bệnh vượt khả năng chuyên môn.
Riêng trường hợp bệnh nhân Hoàng Thị Chinh do BS Ngô Văn Tập thực hiện, sau khi mổ phát hiện dấu hiệu viêm mủ nội nhãn mà không xác định được nguyên nhân, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên hội chẩn kịp thời, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên là phù hợp do vượt khả năng chuyên môn.
Bệnh nhân Lê Văn Ngọc, 59 tuổi ở xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai nhập viện trong tình trạng mắt trái mức độ gần mù, thị lực mắt phải 5/10. Ca phẫu thuật do BS Nguyễn Văn Hữu thực hiện không xảy ra biến cố gì, điều trị hậu phẫu hai ngày bệnh nhân ổn định và ra viện về nhà tiếp tục dùng thuốc với chẩn đoán: Mắt trái yên, giác mạc trong, tiền phòng sạch, thủy tinh thể nhân tạo cân, thị lực mắt được mổ 1/10. Mười ngày sau, bệnh nhân Ngọc đến khám lại, nhập viện với tình trạng mắt trái viêm màng bồ đào sau phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo, thị lực mắt trái là bóng bàn tay, bệnh nhân Ngọc được điều trị kháng sinh, kháng viêm toàn thân, dãn đồng tử, giảm đau, an thần. Sau tám ngày điều trị, ông Ngọc ổn định, cho ra viện và hẹn khám lại.
Kết luận số 1006/KL- SYT của Sở Y tế Thái Nguyên nêu rõ: Bệnh nhân Ngọc trước khi mổ gần như mù, sau mổ thị lực 1/10, vì vậy xác định BS Nguyễn Văn Hữu và kíp phẫu thuật đã thực hiện đúng các quy trình, quy định trong việc phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân Ngọc. Viêm màng bồ đào là một bệnh khác, có thể gây suy giảm thị lực sau thời điểm phẫu thuật, đo đó không liên quan đến việc phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên.
Cần sớm ổn định tổ chức
Sở Y tế Thái Nguyên cũng xác định, do thiếu máy, không có kinh phí mua sắm và để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh nên Bệnh viện Mắt Thái Nguyên được Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế TNH cho mượn máy siêu âm mắt mà không có bất cứ ràng buộc gì. Máy có nguồn gốc rõ ràng, có Giấy chứng nhận xuất xứ (CO), có Giấy chứng nhận chất lượng (CQ); Giấy chứng thư giám định nên đủ điều kiện sử dụng trong khám, chữa bệnh.
BS Nguyễn Xuân Ngàn trong thời gian đi học thạc sĩ, nhưng vẫn ký kết quả siêu âm là do thời điểm đó Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thiếu BS, lãnh đạo bệnh viện đề nghị và BS Ngàn cam kết thực hiện công việc chuyên môn dịp cuối tuần, ngày lễ, những ngày không đi học phải có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện bằng cách đọc kết quả và ký phiếu siêu âm là đúng trách nhiệm của một BS. Đọc kết quả và ký phiếu siêu âm là chuyên môn của BS Ngàn trước khi đi vẫn được giao thực hiện. Việc làm này không dẫn đến chỉ định phẫu thuật sai, không gây ra sự cố y khoa và không phải là hành vi trục lợi bảo hiểm y tế.
Với việc BS Lê Hoàng Thắng chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng vẫn ký vào đơn thuốc ngoại trú đối với hai bệnh nhân là không đúng quy định, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Mắt Thái Nguyên kỷ luật BS Thắng, đồng thời yêu cầu lãnh đạo bệnh viện kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Những “lình xình” tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên thời gian vừa qua đã được Sở Y tế Thái Nguyên kết luận rõ ràng, minh bạch. Đây là việc làm cần thiết để không chỉ thống nhất tư tưởng, nhận thức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, BS, mà còn góp phần sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ổn định tổ chức ở bệnh viện này. Bên cạnh đó, còn định hướng dư luận nhân dân trên địa bàn có nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất vấn đề để bệnh viện này phát huy khả năng chuyên môn, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng tốt hơn.