Cần gìn giữ, phát huy giá trị 'công viên đá' Tân Thành

Hiện ở ấp 7, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú được rất nhiều học sinh, sinh viên đến tham quan, khám phá và chụp ảnh kỷ niệm trong những ngày nghỉ lễ. Đó là 'công viên đá' Tân Thành, thường được người dân địa phương gọi là thác suối đá hay suối đá.

Từ ngã tư Đồng Xoài, theo quốc lộ 14, hướng về thị xã Chơn Thành khoảng 10 km, đến ấp 7, xã Tân Thành. Từ đây theo đường khu dân cư ấp 7 vào khoảng 2 km là đến “công viên đá”.

Dưới một thung lũng rộng khoảng hơn 10 ha, xuất hiện rất nhiều khối đá granite lớn nằm rải rác, trông giống như đàn voi nằm nghỉ, tê giác ăn cỏ hoặc bầy hải mã đằm suối. Dễ thấy nhất là những khối đá granite to, nhỏ, hình dạng khác nhau, lẩn khuất trong cây, cỏ, vườn cao su, xen lẫn là những khối đá riêng lẻ, có khối giống hình mâm xôi khổng lồ, hay bông hoa sen đất.

Khối đá granite tại “công viên đá” trông giống mâm xôi khổng lồ

Khối đá granite tại “công viên đá” trông giống mâm xôi khổng lồ

Những khối đá granite trông giống hoa sen đất

Những khối đá granite trông giống hoa sen đất

Dọc theo dòng suối có những vỉa cát trắng, xen kẽ những tảng đá mang hình thù sống động. Kỳ thú nhất là vỉa đá granite giống hình con rồng uốn theo dòng suối, dài khoảng 30m, cao 5m, trên “lưng rồng” có dấu chân người khổng lồ hằn sâu… Điểm cuối vỉa đá hình rồng có một tảng đá lớn khác chắn ngang. Tại đây, 2 khối đá lớn và cao nhất quần thể thác tạo thành “mật cung” che chắn, đón dòng nước suối đổ về.

Suối nước trong vắt tại “công viên đá” Tân Thành tạo nên cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú

Suối nước trong vắt tại “công viên đá” Tân Thành tạo nên cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú

Quần thể đá granite tại “Công viên đá” Tân Thành bên suối đá trông giống như đàn voi nằm nghỉ

Quần thể đá granite tại “Công viên đá” Tân Thành bên suối đá trông giống như đàn voi nằm nghỉ

Dấu chân người khổng lồ in trên vỉa đá granite ở “công viên đá” Tân Thành

Dấu chân người khổng lồ in trên vỉa đá granite ở “công viên đá” Tân Thành

Cùng với cảnh quan đá kỳ thú, không khí trong lành, mát mẻ thì “công viên đá” còn là nơi khám phá, nghiên cứu về những hiện tượng kỳ bí của thiên nhiên với những dấu chân người in hằn trên đá, rất độc, lạ.

So với Khu du lịch nghỉ dưỡng Thác số 4 ở xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản hay 1 số khu du lịch nghỉ dưỡng khác thì “công viên đá” Tân Thành cũng cho thấy những tiềm năng, lợi thế có thể quy hoạch, đầu tư xây dựng thành điểm du lịch phục vụ nghỉ dưỡng, thư giãn và giải trí hoặc khám phá thiên nhiên.

Hiện đã xuất hiện nhiều ao, hồ của người dân nằm gần “công viên đá”. Để cảnh quan thiên nhiên kỳ thú này không bị khai thác làm vật liệu xây dựng hay bị xâm lấn đào ao, hồ lấp suối, rất mong các cấp, ngành của thành phố, tỉnh có biện pháp bảo tồn và gìn giữ, sớm đưa “công viên đá” trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách ở trong và ngoài tỉnh.

Sỹ Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/163007/can-gin-giu-phat-huy-gia-tri-cong-vien-da-tan-thanh