Cần Giờ là thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao vào năm 2030

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Đến năm 2030, huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Đây là một trong những nội dung chính của Kế hoạch thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường ký ban hành.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ biển; kinh tế cảng, hàng hải; phát triển khu đô thị ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác năng lượng từ biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa huyện Cần Giờ trở thành địa phương mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Kế hoạch cũng nêu rõ quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản đạt 2,2%-2,5%/năm. Trồng rừng ở các vùng ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học rừng ven biển và cải thiện chất lượng môi trường cũng như khu vực bị suy thoái.

Theo Nghị quyết của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, xác định đến năm 2030, Khu Đô thị Du lịch Lấn biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng; được xây dựng bên khu vực rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên để phát triển thành khu du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, dự kiến đặt tại cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép-Thị Vải, huyện Cần Giờ, có độ sâu khoảng 14m, đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến hơn 232.000 tấn (tương đương sức chở 24.188 teus) giảm tải.

Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ với kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 teus). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571ha và diện tích mặt nước khoảng 477,63ha với công suất khoảng 16,9 triệu teus.

Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, dự kiến khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.

Theo đề án nghiên cứu, sau khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 34.000-40.000 tỷ đồng/năm, tạo ra 6.000-8.000 việc làm.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chuyến khảo sát Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ và Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển Thành phố; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ với tư duy mới, đặt trong tổng thể quy hoạch Thành phố.

"Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh phải quy hoạch xây dựng Cần Giờ thành đô thị trong rừng," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ nói chung và Khu Đô thị Lấn biển Cần Giờ nói riêng phải giải tỏa, khắc phục và hỗ trợ, giảm áp lực ùn tắc giao thông, môi trường sống và nhà ở cho dân cư của khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, phát triển Cần Giờ phải theo tư duy mới, tầm nhìn mới, đánh giá kỹ lưỡng phát triển Cần Giờ theo hướng sinh thái, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên; quy hoạch phải tận dụng tối đa trong lòng đất, trong đó có ngầm hóa các hạ tầng cứng.

Đối với Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Cảng có vị trí thuận lợi, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông; rất có tiềm năng phát triển, phù hợp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một đầu mối hàng hải, logistics trong khu vực.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam; phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước; đánh giá năng lực cạnh tranh với các cảng trong khu vực như tại các nước Singapore, Malaysia...; tổ chức đánh giá kỹ tác động môi trường từ dự án; xây dựng các hạ tầng giao thông kết nối…

Cùng với đó, chủ động tiến hành đào tạo nguồn nhân lực và các yếu tố cần thiết sẵn sàng vận hành cảng theo hướng thông minh, đẩy mạnh tự động hóa, quản lý vận hành bằng công nghệ số, quản trị hiện đại, xây dựng cảng xanh, cảng sạch, không gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

 Du khách tham quan Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Du khách tham quan Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gần 40km, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75.000ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721ha, vùng đệm 41.000ha và vùng chuyển tiếp 29.000ha.

Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

Trước chiến tranh, Cần Giờ vốn đã là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú, tuy nhiên nơi đây từng bị bom đạn và chất độc hủy hoại trong cuộc kháng chiến của dân tộc.

Tới năm 1978, khi được sáp nhập về Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có những hành động thiết thực tái tạo lại rừng. Nhiệm vụ trồng rừng đã làm sống lại tới 31.000ha cây trồng và tự nhiên.

Sự kiện Cần Giờ được Chương trình Con người và Sinh Quyển - MAB của UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển của thế giới vào năm 2000 đã thực sự ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực lớn của lực lượng thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân Cần Giờ.

Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam.

Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-gio-la-thanh-pho-nghi-duong-du-lich-sinh-thai-chat-luong-cao-vao-nam-2030-post958738.vnp