Cần Giuộc: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Huyện Cần Giuộc tập trung phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết, huyện hiện có 30 sản phẩm OCOP 3 sao. Chương trình OCOP được huyện tích cực triển khai nhằm tạo “thương hiệu” cho các sản phẩm của địa phương. Từ đó, tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ và xây dựng huyện nông thôn mới.
Xã Phước Hậu có vùng chuyên canh trồng rau màu lớn nhất huyện. Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp, xã Phước Hậu tận dụng vùng nguyên liệu trù phú về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước ngọt quanh năm trồng rau ăn lá, rau cải ngọt ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới.
Bên cạnh đó, HTX còn áp dụng hệ thống tưới thông minh tiết kiệm và phân bón hữu cơ thế hệ mới. Bằng cách này, HTX bảo đảm môi trường xanh, sạch sau khi thu hoạch và cho ra sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ vào việc liên kết kinh doanh, sản xuất, nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc rõ ràng, HTX tạo việc làm cho một số nông dân có hoàn cảnh khó khăn có nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống tinh thần và phát triển sản phẩm địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hiệp - Trần Thanh Minh thông tin, đến nay, HTX có 5 sản phẩm gồm cải bẹ xanh, hành lá, cải ngọt, rau ngót, rau xà lách xoong được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Những loại rau này được sản xuất trong môi trường khép kín, theo hướng hữu cơ; được chăm sóc tự nhiên, khi thu hoạch và sơ chế theo hướng áp dụng công nghệ cao. Nhờ áp dụng theo quy trình VietGAP và được chứng nhận OCOP tạo nên thương hiệu và mang đến sự hài lòng của khách hàng.
Thông tin từ UBND huyện Cần Giuộc, các sản phẩm OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực. Qua đó, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của huyện được khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của các địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm;.../.
Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/can-giuoc-day-manh-phat-trien-san-pham-ocop-a185806.html