Cần góp sức trong bảo vệ môi trường
Hiện nay, vi phạm về lĩnh vực môi trường sẽ căn cứ vào Nghị định 155/2016/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính và số tiền xử phạt có thể lên đến hàng tỷ đồng. Trường hợp cơ sở, cá nhân vi phạm cùng lúc nhiều hành vi về môi trường thì số tiền phạt từng hành vi sẽ được cộng lại. Với mức phạt khá nặng như trên, cũng phần nào ngăn chặn được các cơ sở, cá nhân vi phạm trên lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải công nghiệp, sinh hoạt ở những nơi vắng người qua lại như: mỏ đá khai thác xong, rừng cao su, rẫy, sông, suối... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều vụ việc đã được các ngành chức năng phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật, nhưng tình trạng đổ trộm chất thải chỉ giảm bớt chứ không hết. Trong những vụ đổ trộm chất thải ra môi trường chưa qua xử lý bị phát hiện, có nhiều vụ do người dân địa phương phát hiện phản ảnh. Sau đó, lực lượng chức năng xuống theo dõi phát hiện và xử lý. Đơn cử, trước đây tại TP.Biên Hòa, tình trạng đổ trộm chất thải ở những khu vực mỏ đá đã khai thác xong thuộc P.Hóa An, P.Tân Hạnh khá nhiều. Đơn vị đổ trộm rác gồm cả trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, lực lượng chức năng mất thời gian dài theo dõi xử lý sự việc mới lắng xuống.
Trong Nghị định 155, quy định rất rõ từng trường hợp vi phạm về môi trường sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào và biện pháp khắc phục. Thế nhưng, nhân lực để quản lý lĩnh vực này không nhiều, địa bàn lại rộng nên việc theo dõi, mật phục để phát hiện xử lý các trường hợp đổ trộm chất thải rất khó khăn. Do đó, việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh rất cần cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm về môi trường và báo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, dân số đông, lượng chất thải công nghiệp, sinh hoạt phát sinh mỗi ngày lên đến hàng ngàn tấn. Đơn vị thu gom xử lý chất thải có một số do tỉnh cấp phép và một số do Trung ương cấp phép. Trong đó, có những đơn vị xử lý rác do Trung ương cấp phép có thể vận chuyển chất thải liên tỉnh để xử lý. Đây là một trong những vấn đề nhiều địa phương quan ngại, đặc biệt là chất thải nguy hại khi vận chuyển xa, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến môi trường rất nặng nề, hậu quả rất khó khắc phục. Bên cạnh đó, thời gian qua, tại Đồng Nai xảy ra một số trường hợp trong quá trình vận chuyển chất thải, một số đơn vị đã đổ chất thải công nghiệp ở những nơi hoang vắng hoặc thuê đất chôn chất thải. Dù biết hành vi trên khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính rất nặng và cả xã hội lên án mạnh mẽ, nhưng vì lợi nhuận một số đối tượng vẫn lén lút thực hiện hành vi đổ trộm chất thải trực tiếp ra môi trường.
Do đó, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực môi trường cho rằng, cần nâng mức xử lý với hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường đủ sức răn đe với các trường hợp cố tình vi phạm.