Căn hầm bí mật chứa gần 2 tấn vũ khí nằm giữa lòng TPHCM
Căn hầm bí mật chứa vũ khí tại số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) là một chứng tích mang đậm dấu ấn kiên cường, dũng cảm của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1965, ông Trần Văn Lai (hay còn gọi là Năm Lai) vừa làm việc trên danh nghĩa thầu khoán Năm U-Som tại Dinh Độc Lập, vừa hoạt động bí mật trong lực lượng Biệt động Sài Gòn, đã mua lại căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và cải tạo thành một hầm vũ khí bí mật để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bên dưới căn nhà rộng khoảng 37m2 từng là "địa chỉ đỏ" trong con hẻm chợ, là hệ thống hầm bí mật dùng để cất giữ vũ khí mang từ ngoại ô vào Sài Gòn. Các miệng hầm được ngụy trang kỹ lưỡng rất khó phát hiện.
Đất đá sau khi đào được bỏ vào thùng carton chuyển lên ô tô đưa đi. Căn hầm được hoàn thành sau 7 tháng với kích thước dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm.
Trong hầm có nhiều khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm và có các lỗ thông khí. Có thời điểm, căn hầm đã cất giấu gần 2 tấn vũ khí, từ thuốc nổ, lựu đạn đến súng B40, súng AK và hàng nghìn viên đạn các loại.
Ông Nguyễn Thanh Chi (55 tuổi) - một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam - được nhà nước giao nhiệm vụ trông coi và quản lý hầm vũ khí.
Ông Chi kể: "Đầu năm 1966, theo chỉ đạo của cấp trên, ông Trần Văn Lai (Năm Lai) đã mua lại căn nhà. Sau đó lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Năm Lai đào căn hầm bí mật để chứa vũ khí, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Tại đây, lúc 1h30 sáng 31/1/1968 (tức mùng 2 Tết Mậu Thân), Đội 5 Biệt động gồm 15 cán bộ chiến sĩ đã nhận vũ khí và xuất phát, tấn công Dinh Độc Lập".
Sau trận đánh, địch đến bắn phá căn nhà vì chúng cho rằng đây là nơi trú ngụ của Đội Biệt động. Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng họ không biết có căn hầm chứa vũ khí ở dưới.
Ông Trần Văn Việt (58 tuổi) - cựu chiến binh tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam - đến tham quan căn hầm và dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Từng là một người lính nằm vùng ở những cánh rừng phía Tây Nam nên tôi hiểu rất rõ mức độ khó khăn cũng như sự kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ để tạo nên kỳ tích quân sự tại địa điểm này", ông Việt chia sẻ.
Hình ảnh và những bức lưu bút của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng tại nhà ông Năm Lai, sau những lần hai vị lãnh đạo đến thăm căn hầm vào những năm 2005 và 2018.
Các hiện vật cá nhân ghi dấu những tháng năm chiến đấu chống Mỹ gian khổ của quân và dân ta được lưu giữ cẩn thận trong căn hầm.
Năm 1988, căn nhà được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, mang tên "Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968".
Hiện tại, ngôi nhà được sử dụng làm quán cà phê và trưng bày các kỷ vật của chiến sĩ biệt động, khách tham quan vừa có thể nghỉ ngơi dùng nước, vừa khám phá căn hầm bí mật tại quán.
"Mục đích duy nhất khi phục dựng di tích Biệt động Sài Gòn của gia đình tôi là để các thế hệ sau biết được các chiến sĩ biệt động đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào, từ đó trân trọng hơn giá trị của nền hòa bình độc lập hôm nay", ông Trần Vũ Bình (con trai ông Lai) chia sẻ.
Di tích hầm chứa vũ khí cũng thu hút nhiều khách nước ngoài đến tham quan, nhất là trong thời điểm Việt Nam vừa mở cửa du lịch.
Anh George (19 tuổi) một du khách người Anh chia sẻ: "Việt Nam là một đất nước tươi đẹp với nhiều bí ẩn thú vị mà chúng tôi rất hào hứng khám phá. Khi tôi được nghe kể về câu chuyện lịch sử của căn hầm này cũng như tận tay sờ vào các hiện vật, tôi nói thật là mình đã "nổi da gà", cảm giác thật đặc biệt".