Cần hạn chế tình trạng 'quay xe chính sách' để phục hồi du lịch
Các doanh nghiệp du lịch hiện đang ở trong tình trạng rất cam go. Nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thì việc sụp đổ hệ thống đang là nguy cơ hiển hiện trước mắt...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo Du lịch 2021 có chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch, nhận diện cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.
DU LỊCH "CHẠM ĐÁY" VÀ NGUY CƠ VỠ HỆ THỐNG
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại hội thảo, tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thống kê sơ bộ, năm 2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019; khách du lịch nội địa giảm 34%; tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam tiếp tục giảm sâu hơn so với năm 2020 và có thể nói đã “chạm đáy”. Du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 29% so với cùng kỳ, tổng thu 180.000 tỷ đồng…
DU LỊCH CHỈ CÓ THỂ PHỤC HỒI KHI MỞ CỬA ĐẤT NƯỚC, MỞ CỬA HÀNG KHÔNG
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" thì những hoạt động du lịch đã dần được khởi động lại.
Tháng 11, chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 29 khách Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, CH Czech, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia... trở lại Việt Nam, theo chương trình thí điểm đón khách có hộ chiếu vaccine. Đây là lần đầu tiên sau 18 tháng Việt Nam có số liệu về khách quốc tế. Tiếp theo đó là những chuyến bay đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa. Tính đến 6/12, số lượng khách quốc tế là 1.179 người.
Mặc dù số lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất "nhỏ giọt" nhưng đây có thể coi là tín hiệu tốt để khẳng định ngành du lịch Việt Nam có thể sẽ sớm phục hồi. Cụ thể, các hãng lữ hành, hãng hàng không thông tin rằng sẽ có số lượng khá lớn khách quốc tế trở lại trong thời gian tới, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, tiến tới châu Âu, cụ thể là Nga.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo du lịch 2021
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, muốn phục hồi du lịch, thì chỉ có 3 từ, đó là "mở, mở và mở". Phải mở cửa đất nước, mở cửa hàng không, không thể cách ly với khách, chỉ theo dõi sức khỏe thôi, nếu cách ly không ai đến. Mở, mở và mở. Các ngành, các địa phương, phải mở, phải thông với nhau. Không thể để tình trạng ông chẳng bà chuộc, khách đến rồi không đi được, thậm chí không về được.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Viettravel chia sẻ, hiện tình hình của doanh nghiệp liên quan đến du lịch đang ở trong tình cảnh rất cam go. Nếu không có chính sách hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả thì việc sụp đổ hệ thống là nguy cơ trước mắt. Nếu để sụp đổ, thì việc khôi phục sẽ rất khó khăn, rất mất thời gian.
Hiện 700 nghìn doanh nghiệp SME phục vụ du lịch đang tê liệt do kiệt quệ tài chính, không thể hoạt động. Doanh thu của doanh nghiệp giảm sâu, 90 phần trăm người lao động liên quan du lịch tạm ngưng việc, hoặc bị mất việc. Du lịch chỉ có thể trở lại vào năm 2023 nhưng để trở lại cần cú hích rất mạnh, đột phá.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, doanh nghiệp du lịch rất cần biết về chính sách tổng thể đồng bộ về chống dịch trong 2022. Vừa qua việc mở cửa đã được thực hiện nhưng không đồng bộ, làm doanh nghiệp lúng túng trong việc kinh doanh.
Các địa phương vẫn đang đưa ra "nhiều rào cản kỹ thuật" khiến việc đưa khách tới điểm thăm quan du lịch trong nước khó thực hiện. Ông Kỳ cũng cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo việc khai báo y tế thống nhất trên một hệ thống. Hiện doanh nghiệp khi đưa khách tới các địa phương khác nhau vẫn mất thời gian khai báo trên nhiều hệ thống làm mất thời gian của du khách, doanh nghiệp.
HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG "QUAY XE CHÍNH SÁCH"
Gửi kiến nghị tới Bộ Y tế, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu rõ, chính sách chống dịch cần nhất quán, chống tình trạng "quay xe chính sách" chống dịch. Việc "quay xe" sẽ khiến các kế hoạch đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp bị đổ bể, lãng phí. Ví dụ việc về thời gian cách ly đối với khách quốc tế đã không ít lần thay đổi, mỗi lần thay đổi quá nhanh, thậm chí bất ngờ sẽ khiến doanh nghiệp không đủ sức để chạy theo, trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay.
Liên quan đến các biện pháp hỗ trợ trước mắt, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng nêu kiến nghị, cần có chính sách giảm thuế, hiện các chính sách giảm thuế quá thấp, không có hiệu quả. Chính phủ nên xem xét giảm tiếp thuế VAT 30% cho năm năm 2022 và 2023.
Cũng liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, Chính phủ, Nhà nước cần tính lại và điều chỉnh các loại thuế phí cho doanh nghiệp như thuế đất, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Hiện nay nếu không hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này, bằng các mức giảm thuế cụ thể thì doanh nghiệp sẽ khó có thể phục hồi.
Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm đó là việc tính toán giá điện cho các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú... Bà Lê Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Global Toserco cho rằng, hiện giá điện của khách sạn đang cao hơn điện sản xuất tới 35%, đây là mức chi phí lớn của doanh nghiệp. Thực tế trong suốt thời gian đại dịch, dù khách sạn không đón khách nhưng hệ thống điện vẫn phải duy trì nên tạo ra gánh nặng chi phí cho hầu hết các doanh nghiệp.
Bà Lê Thanh Hà cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tính lại để giảm tiền thuê đất, theo bà Thanh Hà, năm 2021 về cơ bản khách sạn không hoạt động vì không có khách nhưng tiền thuê đất chỉ được giảm 30%.
Ngoài ra, để sớm phục hồi du lịch, đại diện Global Toserco cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều nêu kiến nghị, Chính phủ cần mở đường bay thương mại sớm để đón khách đã tiêm đủ vacine cũng như xét nghiệm chứng minh âm tính.