Cần hành động mạnh mẽ hơn vì một tương lai không khói thuốc lá
Sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Với trẻ em, khói thuốc lá gây nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Các em học sinh chia sẻ về những tác hại của thuốc lá. Ảnh: ST
Thuốc lá vẫn rình rập quanh trường học
Do đó, cần hành động mạnh mẽ hơn vì một môi trường sống của trẻ em không khói thuốc lá, để các em được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức...
Mỗi năm, thế giới ghi nhận hơn 8 triệu ca tử vong liên quan đến thuốc lá, trong đó khoảng 1,3 triệu người chết do hút thuốc thụ động. Ở Việt Nam, có khoảng 104.300 ca tử vong do hút thuốc chủ động và thụ động mỗi năm. Ước tính, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế do thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng/năm, tương đương 1,14% GDP, con số này cao gấp 5 lần so với nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Đáng chú ý, trẻ em hiện đang sống trong một môi trường đầy thuốc lá. Người lớn hút thuốc làm trẻ em bị phơi nhiễm ở nhiều môi trường như ở nhà hay tại các nơi công cộng. Đặc biệt, thuốc lá được quảng cáo, bày bán quanh trường học. Học sinh có thể dễ dàng mua thuốc lá với giá chỉ từ hơn 10.000 đồng/bao, thậm chí nhiều nơi thuốc lá còn được bán điếu lẻ cho trẻ em.
Nghiên cứu của Công ty Cổ phần Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) chỉ ra rằng, thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ em.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho thuốc lá chiếm gần 2% chi tiêu hộ gia đình ở Việt Nam, làm lấn át chi tiêu cho giáo dục, nhất là ở các hộ có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến quyền được học tập của trẻ em.
Thực tế thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện tại chỉ chiếm 36-38,8% giá bán lẻ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tối thiểu 75%. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức thuế thấp nhất Đông Nam Á khi Thái Lan áp thuế thuốc lá 78,6%, Philippines 71,3%, Singapore 67,1%.
Cần hành động mạnh mẽ hơn
Trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Tọa đàm “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo của thuốc lá: Tiếng nói từ trẻ em” vừa được Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức không chỉ là một hoạt động ý nghĩa nhằm huy động tiếng nói của học sinh vào nỗ lực phòng, chống tác hại thuốc lá, mà còn gửi thông điệp tới Quốc hội lựa chọn phương án thuế mạnh mẽ hơn.

Tăng thuế thuốc lá là chính sách quan trọng để bảo vệ trẻ em một cách toàn diện. Ảnh: ST
Trong đó, bên cạnh mức thuế tỷ lệ 75%, bổ sung một khoản thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao thuốc vào năm 2026 và tiếp đó tăng theo lộ trình đến 15.000 đồng/bao thuốc đến năm 2030. Đây là phương án được Bộ Y tế, WHO và các tổ chức xã hội khuyến nghị, đã được chứng minh là có thể giảm đáng kể tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt ở giới trẻ - nhóm nhạy cảm với biến động giá.
Các chuyên gia khẳng định, tăng thuế thuốc lá là chính sách quan trọng để bảo vệ trẻ em một cách toàn diện. Điều này vừa ngăn chặn trẻ em bắt đầu hút thuốc; đồng thời giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp trẻ em được bảo vệ khỏi phơi nhiễm với khói thuốc, chi tiêu gia đình cũng sẽ được đầu tư nhiều hơn cho trẻ em.
Cùng với đó, ngân sách thu được từ việc tăng thuế với sản phẩm thuốc lá giúp đảm bảo chi trả cho các chương trình phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, như: Hỗ trợ chi trợ cấp giáo dục, trợ cấp y tế…; từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao./.