Cần hệ thống hóa pháp luật về quản lý động vật hoang dã
Thông tin COVID-19 có thể bắt nguồn từ động vật hoang dã (ĐVHD) một lần nữa cho thấy việc buôn bán quốc tế các loài ĐVHD cần được thực hiện chặt chẽ hơn nữa. Với địa thế là nơi trung chuyển, giao thương của nhiều nước, Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD.
Ông Phạm Văn Điển, Tổng cục Phó Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có những trao đổi với phóng viên Báo Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Xin ông khái quát hệ thống luật pháp hiện nay của Việt Nam về việc cấm buôn bán ĐVHD?
Ông Phạm Văn Điển: Việt Nam đã quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD từ khá sớm. Năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành điều lệ tạm thời về săn, bắt chim, thú rừng (Nghị định số 39/CP ngày 5/4/1963). Năm 1994, nước ta đã chính thức trở thành thành viên thứ 121 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Từ đó đến nay, chúng ta đã nội luật hóa bằng hơn 60 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ĐVHD, trong đó có 16 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực, thuộc các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, đầu tư, hành chính và hình sự, gồm 7 luật và bộ luật, 4 nghị định, 1 nghị quyết và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 thông tư.
Nhìn ra thế giới, Việt Nam cũng như 183 nước thành viên CITES hiện nay, không cấm hoàn toàn việc buôn bán ĐVHD. Pháp luật quy định cấm hoặc không cấm buôn bán đối với từng loại ĐVHD nhất định. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu mẫu vật ngà voi, sừng tê giác (Quyết định số 11/QĐ-TTg); Danh sách gồm hơn 200 loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích đầu tư kinh doanh cũng được ban hành kèm theo Luật Đầu tư (2014).
Theo đánh giá của Ban thư ký CITES, hệ thống luật pháp quản lý ĐVHD của Việt Nam được xếp loại A (tức là loại tốt, do có các quy định khá đầy đủ, quản lý theo chuỗi, mức độ xử phạt khá hà khắc).
Tuy nhiên, các quy định quản lý ĐVHD của Việt Nam có tính hệ thống chưa cao, một số quy định chưa đủ chi tiết, trùng lắp, nên cần được tiếp tục hoàn thiện.
Theo ông, hệ thống luật hiện nay đã đảm bảo tốt việc thực thi lệnh cấm này chưa? Vì sao?
Ông Phạm Văn Điển: Như tôi đã khái quát ở trên, hệ thống pháp luật hiện nay của ta đã cơ bản đảm bảo quản lý ĐVHD. Những văn bản quy phạm pháp luật này đã bao trùm các khía cạnh: chế độ quản lý ĐVHD; danh mục loài nguy cấp, quý hiếm; chế tài xử lý; phân công trách nhiệm quản lý ĐVHD.
Về chế độ quản lý, đã quy định đầy đủ các hành vi bị cấm như săn bắt, buôn bán, nuôi, tàng trữ, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu trái quy định pháp luật. ĐVHD được quản lý theo chuỗi từ bảo tồn, khai thác, nuôi, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và bảo đảm được truy xuất nguồn gốc của mẫu vật. Các quy định được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp với quy định của CITES và điều kiện thực tế của Việt Nam. Một số quy định tân tiến, có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, đảm bảo quản lý chặt chẽ và minh bạch, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân thực hiện như quy định về cấp giấy phép CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu qua hệ thống Một cửa quốc gia.
Về danh mục loài, đã quy định rõ danh mục hơn 200 loài ĐVHD cấm khai thác, sử dụng, cấm đầu tư, kinh doanh.
Về chế tài xử lý vi phạm, các quy định xử lý hành chính, hình sự của Việt Nam đối với vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD và thực thi CITES là rõ ràng và nghiêm khắc. Chẳng hạn, về mức độ hà khắc, quy định về chế tài xử lý tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD có thể lên đến 15 năm tù (ở Mỹ là 5 năm, Malaysia là 10 năm, Trung Quốc là 12 năm, v.v...).
Về phân công trách nhiệm quản lý ĐVHD, đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thực thi CITES. Hiện nay, có 18 cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực thi CITES.
Thời gian qua có một số quan điểm khoa học trên thế giới đưa ra nhận định đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ ĐVHD, nên Chính phủ các nước cần phải có các hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa để chấm dứt triệt để buôn bán ĐVHD là hành động cần thiết nhất trong việc phòng ngừa những cuộc khủng hoảng tương tự. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
Ông Phạm Văn Điển: Hiện, có nhiều bài báo khoa học quốc tế nêu khả năng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ ĐVHD, đặc biệt là từ các loài dơi. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ tương đồng về trình tự ADN của virus SARS-CoV-2 và virus Corona có trong ĐVHD ở mức chưa cao (90 đến 93%, thường phải từ 97% trở lên), nên chưa thể khẳng định chắc chắn rằng dịch COVID-19 bắt nguồn từ ĐVHD. Tuy nhiên, không loại trừ giả thuyết các virus tồn tại trong ĐVHD có thể đột biến để lây nhiễm sang người. Rủi ro lây nhiễm một số bệnh từ ĐVHD sang người đã từng được ghi nhận như Ebola, MER-Covi, SARS, H5N1, v.v...
Việc chấm dứt triệt để các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật là cam kết của chúng ta, phù hợp với thông lệ quốc tế và chắc chắn được toàn dân ủng hộ. Tôi cũng xin nhắc lại hệ thống pháp luật về vấn đề này của chúng ta khá đầy đủ, việc quan trọng là cần hệ thống hóa toàn bộ các điều luật này để quản lý có hiệu quả hơn.
Việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động buôn bán ĐVHD cần được tính toán chặt chẽ để cân bằng giữa bảo tồn với phát triển là nhu cầu thực tế. Đây là một bài toán khó, nhưng cần có lời giải. Nếu sự cân bằng không đạt được, mục tiêu chung là phát triển bền vững sẽ khó được đảm bảo. Vì vậy, "trạng thái cân bằng" ngày càng được các Chính phủ chú ý như một công cụ hữu ích trong quản lý và thực thi pháp luật.
Cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là nguồn lợi từ ĐVHD quá lớn, đến độ nhiều người bỏ qua các quy định, hàng rào pháp lý. Vậy theo ông có cần quy định tăng nặng các chế tài xử lý hoặc có biện pháp nào để hạn chế việc buôn bán ĐVHD hiện nay không?
Ông Phạm Văn Điển: Thực tế là, nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp hàng rào pháp lý, vi phạm pháp luật vì lợi nhuận lớn từ việc buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Đã có dữ liệu thực tế cho rằng, trên quy mô toàn cầu, tội phạm về ĐVHD chỉ đứng sau tội phạm về buôn bán vũ khí, ma túy và nạn buôn người.
Chế tài xử lý nghiêm khắc là cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, Liên Hợp Quốc đã thừa nhận, nhiều quốc gia thất bại trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy, mặc dù hình phạt cho hành vi buôn bán ma túy rất nặng, thậm chí là tử hình, nhưng tội phạm vẫn nhiều. Để kiểm soát buôn bán ĐVHD có hiệu quả, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể, trong đó thực thi pháp luật là rất quan trọng. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các khâu, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, cải thiện sinh kế và áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc ĐVHD; dự báo, ngăn chặn, cắt đứt từ xa các chuỗi hành trình ĐVHD bất hợp pháp từ bất kỳ hướng nào, kể cả từ trong nước hay ngoài nước.
Theo tôi được biết, hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD. Đây được kỳ vọng sẽ mang tính “bước ngoặt” trong bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ một số thông tin về dự thảo này và mục đích trước mắt cũng như lâu dài mà chỉ thị hướng tới không ạ?
Ông Phạm Văn Điển: Chúng tôi đã tham mưu Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị này. Dự thảo Chỉ thị đề cập đến những giải pháp cấp bách trong thực thi pháp luật, huy động toàn hệ thống trong kiểm soát hoạt động săn, bắt, nuôi, buôn bán, xuất nhập khẩu ĐVHD. Nội dung cụ thể của Chỉ thị sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hiện nay, chúng tôi đang dự kiến kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện ngay khi Chỉ thị được ban hành, nhằm đạt được các hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, giúp bổ sung tiền đề cho việc hoàn thiện hơn nữa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này và tiếp tục thể hiện hình ảnh tốt của đất nước Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Đỗ Hương (thực hiện)