Cần hiểu đúng về dịch Covid-19 để không kỳ thị F0
Hiện nay, nhiều người mắc Covid-19 bị chính bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm kỳ thị, xa lánh ngay cả khi đã khỏi bệnh. Do lo sợ bị kỳ thị, nhiều F0 không khai báo y tế mà tự mua thuốc điều trị tại nhà khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Theo các chuyên gia y tế, việc kỳ thị F0 xuất phát từ tâm lý lo lắng thái quá và nhận thức hạn chế về dịch bệnh của một bộ phận người dân. Do vậy, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu các kiến thức phòng, chống dịch chính xác, hiệu quả, không nên kỳ thị người mắc Covid-19.
Thấy cơ thể có các biểu hiện ho, rát họng, anh B.M.H ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên đã tự test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính. Sau đó, anh H cùng vợ, con đến trạm y tế xã để khai báo và được chỉ định tự cách ly, điều trị tại nhà.
Rất may, anh H và vợ, con mắc bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ. Điều đáng buồn là anh H và gia đình đã bị hàng xóm kỳ thị. Anh H cho biết: “Từ khi thực hiện cách ly và điều trị tại nhà, gia đình tôi luôn thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch, tuyệt đối không đi ra khỏi nhà. Thế nhưng, mỗi lần tôi mở cửa ra cho thoáng khí, hay ra ngoài sân phơi quần áo, nhà hàng xóm cách đó hơn 30 m lại nói vọng sang yêu cầu đóng cửa lại.
Cho đến khi được công nhận đã khỏi bệnh, mỗi khi ra đường, tôi vẫn bị hàng xóm xì xào và cố ý tránh mặt, thậm chí, nhiều gia đình còn không cho trẻ nhỏ chơi cùng con tôi khiến cháu rất tủi thân”.
Không chỉ bị hàng xóm kỳ thị, sau khi khỏi bệnh và đi làm trở lại, chị B.T.L ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường tiếp tục bị bạn bè, đồng nghiệp trong công ty xa lánh. Chị L cứ đi đến đâu, chạm vào đồ vật gì, lại có người chạy tới xịt khuẩn lên đồ vật đó mặc dù chị L luôn đeo khẩu trang và thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch tại công ty. Giờ ăn trưa ở công ty, không ai dám ngồi gần chị L khiến chị phải lủi thủi ngồi ăn một mình.
Những F0 như anh H hay chị L đều không muốn bản thân và gia đình bị mắc bệnh. Trong khi họ cần sự cảm thông, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng thì lại bị chính bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm xa lánh và kỳ thị.
Khi bị kỳ thị, những F0 luôn mang trong mình cảm giác tự ti, lo lắng khi bị coi là “tội đồ” làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Chính bởi sợ bị hàng xóm, láng giềng gièm pha, xa lánh nên có nhiều người khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở... không dám ra trạm y tế địa phương khai báo, không thực hiện xét nghiệm làm mất đi cơ hội bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Thậm chí, có những F0 tự xét nghiệm và tự mua thuốc điều trị tại nhà gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng. Rõ ràng, tâm lý kỳ thị không làm hạn chế được dịch bệnh mà ngược lại còn khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với sự gia tăng của hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Do có nhiều F0 trong cộng đồng nên rất khó xác định được nguồn lây cũng như truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm.
Vì vậy, không còn tình trạng các F0, F1 bị công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội, bị truy lùng danh tính hoặc bị tung tin đồn thất thiệt như trước kia. Tuy nhiên, tình trạng kỳ thị F0 và F0 đã khỏi bệnh vẫn diễn ra phổ biến ở mức độ khác nhau.
Theo bác sĩ Hoàng Hữu Việt, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tâm lý kỳ thị F0 và F0 đã khỏi bệnh xuất phát từ sự sợ hãi thái quá và nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19 của một bộ phận người dân. Trên thực tế, các F0 đã khỏi bệnh có nồng độ kháng thể nhất định, có thể miễn nhiễm tạm thời với vi rút SARS-CoV-2, nguy cơ tái nhiễm không cao. Vì vậy, chúng ta không nên có thái độ kỳ thị và sợ bị lây bệnh từ các F0 mới khỏi bệnh.
Sự kỳ thị của cộng đồng gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người mắc Covid-19, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Do đó, những người từng tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 phải tuân thủ khuyến cáo 5K và thực hiện cách ly y tế theo quy định, không nên đổ lỗi, trách móc hay kỳ thị người mắc Covid-19 mà mình đã từng tiếp xúc. Thay vào đó, hãy dành cho nhau sự cảm thông, những lời động viên, quan tâm để người mắc Covid-19 có thêm động lực vượt qua và chiến thắng dịch bệnh.