Cần hiểu đúng về tục 'kéo vợ'

Đầu xuân, người Mông thường đi chơi hội. Đây cũng là bối cảnh để 1 clip 'gây bão' cộng đồng mạng được phát tán những ngày gần đây. Clip được quay tại Hà Giang, ghi lại hình ảnh một cô gái trẻ vùng vẫy, khóc khi bị 1 thanh niên cố gắng kéo về trước sự đứng xem của rất nhiều người. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của công an địa phương. Ngay lập tức, clip ngắn này 'gây bão', thu hút nhiều sự quan tâm và những bình luận trái chiều. Nhiều người coi đây là hủ tục, thậm chí có những bình luận nặng nề, cho rằng đây là thứ văn hóa 'mọi rợ', cần phải xóa bỏ.

Tục kéo vợ của người Mông được tái hiện trong chương trình Tái hiện chợ tình Sa Pa vào tháng 11/2021.

Ngay sau clip gây bão tại Hà Giang, 1 clip khác có bối cảnh tại Sa Pa cũng ghi lại hình ảnh 1 cô gái bị kéo lên taxi, tiếp tục thu về hàng chục nghìn lượt bình luận trên mạng xã hội. Thế nhưng, phần lớn những bình luận trên hiểu sai về tục kéo vợ. Có người cho rằng việc kéo vợ là ép hôn, có người thì lo lắng lên Sa Pa du lịch sẽ bị kéo về làm vợ…

Tại Lào Cai, người Mông có dân số đông thứ 2, chỉ xếp sau người Kinh, có những đặc trưng văn hóa độc đáo. Đầu xuân, tại các buổi chợ phiên hoặc các lễ hội, các chàng trai, cô gái trẻ thường xúng xính những bộ váy áo đẹp nhất, đi giao lưu, tìm người yêu, hẹn hò. Sau khi đôi bên đã ưng ý nhau, tìm hiểu, hẹn hò, “đằng trai” sẽ tổ chức kéo vợ vào một ngày nhất định.

Ông Lồ Xuân Chô, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Si Ma Cai cho biết: Không phải tự nhiên, đang yên đang lành mà một chàng trai đi kéo một cô gái lạ hoắc về làm vợ. Chàng trai người Mông chỉ kéo cô gái người Mông - người họ yêu và yêu họ. Kể cả chàng trai có đơn phương yêu cô gái, kéo được cô ấy về thì cô gái mới là người được quyền quyết định có kết hôn hay không. Diễn biến một cuộc kéo vợ thường sẽ là sau buổi hẹn hò, chàng trai kéo cô gái về nhà mình. Khi bị kéo, cô gái sẽ chống cự, giằng co. Lúc này, chàng trai sẽ gọi thêm bạn mình đến giúp sức, cô gái cũng sẽ gọi bạn bè mình đến hỗ trợ. Kể cả có yêu nhau say đắm thì cô gái khi bị kéo cũng tỏ ý chống lại, đôi bên kéo qua kéo lại chứ chẳng cô gái nào để chàng trai dắt tay một cái là theo về luôn, như thế thì mất giá.

Cũng theo ông Chô, việc kéo vợ không phải là “chuyện đã rồi”, không phải kéo được thì sẽ thành vợ chồng. Từ lúc kéo về, cô gái có 3 ngày (ở cùng mẹ của chàng trai) để tìm hiểu về gia đình nhà trai, nếu không đồng ý có thể từ chối và trở về nhà mẹ đẻ. Nếu đồng ý thì sau 3 ngày, nhà trai sẽ nhờ ông mối đến gia đình nhà gái thưa chuyện. Từ lúc kéo về đến hôn nhân còn là một quá trình thương thảo, thuyết phục của nhà trai và quyền quyết định hoàn toàn thuộc về cô gái, không thể ép buộc. Ngoài ra, tục kéo vợ cũng giúp nhiều cô gái được quyền tự quyết định, lựa chọn chàng trai cho mình thay vì nghe theo sự sắp đặt hôn nhân của cha mẹ. “Kéo vợ là một nét đẹp văn hóa, hợp lý hóa việc cô gái theo chàng trai về nhà chồng, không phải “tôi tự về nhà anh” mà là “anh kéo tôi về nên tôi mới về”, là cách “làm giá” của cô gái, là thể hiện sự chân thành và quyết tâm chinh phục của chàng trai. Tảo hôn, kết hôn sớm hoàn toàn không phải do phong tục kéo vợ” - ông Chô cho biết thêm.

Trong chương trình THPT, nhà văn Tô Hoài có một tác phẩm ấn tượng, trong đó cũng có tục bắt vợ của người Mông là “Vợ chồng A Phủ”. Khi clip “kéo vợ” phát tán rộng rãi, cộng đồng mạng nhiều người cho rằng các cô gái bị kéo về làm vợ đều sẽ giống Mỵ, sống trong một cuộc hôn nhân ép buộc. Thế nhưng, nếu như phân tích kỹ, sau khi bị A Sử bắt về làm vợ, Mỵ đã trốn về và xin bố mình từ chối cuộc hôn nhân này nhưng sau đó phải ngậm ngùi đồng ý kết hôn để “xóa nợ” từ đời trước. Vậy nên, có thể nói, Mỵ bị ép hôn hoàn toàn không phải do bị kéo về mà do gánh nặng nợ nần từ cha mẹ để lại.

Những cách hiểu sai về phong tục kéo vợ từ cộng đồng các dân tộc khác đã khiến họ sinh ra ác cảm với nét văn hóa “lạ lùng” này, tạo nên định kiến lâu dài khiến cho mỗi mùa xuân đến, các clip “kéo vợ” lại một phen gây bão. Những luồng dư luận coi “kéo vợ” là hủ tục, kém văn minh đều chịu ảnh hưởng lớn từ truyền thông và cả giáo dục, hầu hết đều chỉ nhìn nhận vấn đề từ một “lát cắt” về văn hóa mà không quan tâm đến bản chất cũng như bối cảnh của sự việc.

Những cách hiểu méo mó, đầy định kiến, không đầy đủ ấy đã gây không ít “tổn thương” về mặt văn hóa đối với cộng đồng người Mông.

Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong tục “kéo dâu” của người Mông về bản chất là một nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn, thể hiện giá trị của phụ nữ Mông. Tuy nhiên, nhiều thanh niên người Mông hiện nay chưa hiểu đúng về phong tục hoặc cố tình hiểu sai và làm biến tướng nét đẹp văn hóa này. Bởi, theo đúng phong tục truyền thống thì việc “kéo dâu” phải được thực hiện vào buổi tối chứ không phải vào ban ngày như một số clip đã đăng tải, mục đích là để không nhiều người biết việc này, giúp cô gái bảo toàn danh dự để trở về nhà nếu không thể nên duyên với chàng trai. Nơi thực hiện việc kéo dâu là nơi giao hẹn của đôi trai gái - vốn đã có tình cảm với nhau từ trước - chứ không phải bất kỳ chỗ nào. Những người tham gia đoàn kéo dâu là anh, em, bạn bè, người thân của chàng trai chứ không phải bất kỳ người nào từ khắp nơi. Sau khi kéo dâu, cô gái được đưa về nhà trai và ngủ cùng mẹ chàng trai để được che chở, bảo vệ chứ không phải cứ “kéo vợ” về là chàng trai làm gì tùy ý. Hơn nữa, nếu sau đó mà vẫn thấy không ưng thì nhà trai phải đưa trả cô gái về nhà cha mẹ đẻ.

Cũng theo ông Nghĩa, ngành văn hóa đã và đang rất cố gắng để nét đẹp văn hóa này không bị mai một, nhưng bên cạnh đó còn rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là những nơi có đông đồng bào Mông sinh sống; sự tuyên truyền, giáo dục từ các nhà trường để các thế hệ người Mông luôn có được sự hiểu biết đúng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của phong tục này.

“Kéo vợ”, còn gọi “kéo dâu” là một trong những phong tục độc đáo của người Mông trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và người Mông cả nước nói chung. Trên thực tế, “kéo vợ” là một thực hành văn hóa có ý nghĩa phức tạp hơn nhiều so với những gì người ngoài cuộc, đặc biệt là cộng đồng dân tộc khác, chứng kiến hoặc nghe kể.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353140-can-hieu-dung-ve-tuc-keo-vo