Cần hình thành Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia đủ mạnh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo TS Lê Đức Viên - Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, nhất thiết phải hình thành Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đủ mạnh tại TP này với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có nguồn nhân lực đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và đầy nhiệt huyết với sự nghiệp ĐMST.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thực hiện Quyết định 188/QĐ-TTg (ngày 9/2/2012) của Thủ tướng Chính phủ, TP Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của TP nói riêng và miền Trung - Tây Nguyên nói chung, kết nối với hệ sinh thái cả nước và quốc tế.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng nêu rõ, Nghị quyết 43-NQ/TW (24/1/2019) của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp ĐMST”.
“Để đạt được mục tiêu này, nhất thiết phải hình thành Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có nguồn nhân lực đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và đầy lòng nhiệt huyết với sự nghiệp ĐMST”, TS Lê Đức Viên nhấn mạnh.
Mô hình “Trung tâm hỗ trợ KNĐMST quốc gia đủ mạnh” tại Đà Nẵng mà ông đề xuất sẽ như thế nào?
TS Lê Đức Viên: Việc thiết lập Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng đã chín muồi về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn và sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và cả TP Đà Nẵng. Nếu chúng ta không hành động sẽ đánh mất cơ hội.
Tuy nhiên để có một Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia đủ mạnh tại Đà Nẵng thì về mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận, nhà nước phải bảo đảm 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh. Về cơ chế chính sách, hiện nay chúng ta cần có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh cho khởi nghiệp ĐMST.
Tôi rất mừng nội dung quản lý nhà nước về ĐMST là của ngành KH&CN. Tuy nhiên, phải cần có cơ chế chính sách đủ thuyết phục, lan tỏa. Kể cả Quyết định 844/QĐ-TTg (tháng 5/2016) ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” và Quyết định sửa đổi bổ sung số 188/QĐ-TTg (tháng 2/2021) vẫn chỉ là các văn bản cá biệt và cũng bị chi phối bởi các văn bản luật khác.
Hơn nữa, Nghị định 94/2020/NĐ-CP (ngày 21/8/2020) của Chính phủ là quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù dành riêng cho Trung tâm ĐMST thuộc Bộ KH&ĐT chứ không phải áp dụng cho cả nước.
Được biết, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 94/2020/NĐ-CP. Ông có đề xuất gì với việc sửa đổi này?
TS Lê Đức Viên: Từ yêu cầu của thực tiễn, việc thành lập 3 Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh theo Quyết định 188/QĐ-TTg là rất rõ ràng, tất cả đại biểu tham dự hội thảo về mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm khởi nghiệp ĐMST do Bộ KH&CN tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12/10 đều nhận thức rõ điều đó.
Về cơ chế đặc thù cho các Trung tâm Hỗ trợ ĐMST quốc gia, theo tôi, việc cần thiết lúc này là sửa đổi ngay Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm ĐMST quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP Đà Nẵng thụ hưởng.
Nghị định 94 mới được ban hành ngày 21/8/2020 nhưng nay đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, hiện Bộ KH&ĐT đang giao Trung tâm ĐMST quốc gia (thuộc Bộ KH&ĐT) chủ trì, tham mưu sửa đổi. Việc sửa đổi Nghị định 94 cần theo hướng có cơ chế, chính sách vượt trội với mục tiêu xa hơn và mang tính chiến lược hơn.
Đồng thời, phải giải quyết được các bất cập trong Thông tư 45/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, như giới hạn không hỗ trợ quá 10 dự án/năm, kinh phí trao giải Cuộc thi khởi nghiệp không bảo đảm liên tục từ ngân sách nhà nước, không có kinh phí hỗ trợ hoạt động kết nối của dự án khởi nghiệp…
Theo ông, sắp tới việc ban hành cơ chế, chính sách mới đối với các Trung tâm ĐMST quốc gia cần bảo đảm các nội dung cốt lõi gì?
TS Lê Đức Viên: Quyết định 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định đến năm 2025 “xây dựng hệ thống Trung tâm ĐMST hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế”.
Trên tinh thần đó, theo tôi cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động kinh doanh, mua bán chuyển nhượng vốn liên quan hoạt động ĐMST. Cần có chính sách ưu đãi đối với thu nhập từ lương, tiền công chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KH&CN.
Từ thực tiễn của Đà Nẵng, chúng tôi kiến nghị cần có quy định cho phép các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, không gian ĐMST khu vực công được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi không gian ĐMST. Đồng thời có chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách TP chi phí ươm tạo dự án khởi nghiệp ĐMST.
Cũng như cần có quy định cho phép triển khai mô hình PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) cho đầu tư cơ sở ươm tạo, trung tâm nghiên cứu. Có quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN, khởi nghiệp ĐMST được khai thác tài sản công hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo hướng nhà nước quản lý, tư nhân khai thác vận hành thông qua đặt hàng.
Và cùng với đó, cần phải có bộ chỉ số xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương để việc điều tra, khảo sát đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hàng năm của TP Đà Nẵng và các địa phương khác được thống nhất.