Căn hộ đang trả nợ thế chấp bị ngừng xây dựng, vợ sắp cưới lập tức có động thái khiến chàng trai đau đớn không nói nên lời

Chỉ như vậy đã đủ để cha mẹ bạn gái nói 'không' với chuyện cho con gái kết hôn.

Đáng lẽ, Li (34 tuổi, Trung Quốc) sẽ kết hôn và lên chức bố vào năm sau. Nhưng bi kịch ập đến khi căn hộ chung cư anh đang trả nợ thế chấp bị tạm ngừng xây dựng.

Li (không phải tên thật của nhân vật) đã đặt mua một căn hộ để ổn định cuộc sống. Bạn gái anh mang thai và họ đã lên kế hoạch cho đám cưới vào năm sau.

Nhưng bây giờ, thế giới của người đàn ông 34 tuổi hoàn toàn sụp đổ. Anh không có vợ, không con, chỉ còn lại khoản thế chấp mua nhà sẽ theo mình trong 20 năm nữa.

Chàng trai Trung Quốc sụp đổ vì mất vợ, mất con và phải trả nợ.

Chàng trai Trung Quốc sụp đổ vì mất vợ, mất con và phải trả nợ.

Tất cả chỉ vì việc xây dựng căn hộ của anh tại tỉnh Hồ Nam (miền trung Trung Quốc) bị tạm dừng. Chỉ như vậy đã đủ để cha mẹ bạn gái nói "không" với chuyện cho con gái kết hôn.

"Họ nói một căn hộ chưa hoàn thiện không phải là nhà, vì vậy cô ấy đã nói chia tay với tôi", Li nói với CNA Insider.

Nhưng Li hiểu quyết định của bạn gái và gia đình cô.

"Bất kỳ người Trung Quốc nào cũng có thể nói với bạn rằng: 'Nếu không có nhà riêng, anh sẽ không thể nào tìm được vợ, trừ khi được trợ giúp bởi một thế lực siêu nhiên nào đó'", Li bày tỏ.

"Nếu là một người đàn ông bình thường như tôi, thì chí ít bạn cũng phải có một căn hộ. Nếu không sẽ chẳng ai sẵn sàng cưới bạn. Ngay cả khi đối phương muốn, liệu bạn có sẵn sàng kết hôn? Bạn cảm thấy làm vậy có công bằng với cô gái đó không?", Li nói thêm.

Thực tế đau lòng của những người đàn ông Trung Quốc không có nhà

Câu chuyện về căn hộ chưa hoàn thiện của Li đã kể ra rất nhiều câu chuyện. Nó nói lên tư tưởng ăn sâu bám rễ phải "an cư lạc nghiệp", tầm quan trọng mà người Trung Quốc đặt lên ngôi nhà vật chất. Đối với họ, nó không chỉ là mái nhà trên đầu, là chỗ trú mỗi đêm mà là mảnh đất bắt buộc phải có để tạo nên một gia đình.

Nó cũng phản ánh về cái gọi là "nền kinh tế mẹ vợ". Ở một đất nước "thừa" tới 35 triệu đàn ông, phụ nữ độc thân "có giá" hơn nhiều, nhiều người kiên quyết sẽ không để con gái mình kết hôn với một người đàn ông không có nhà cửa.

Và nó còn kể về một câu chuyện đằng sau sự sụp đổ của thị trường nhà ở Trung Quốc. Theo tờ The Guardian, câu chuyện lấy vợ tại Trung Quốc đang ngày càng khó khăn hơn chỉ vì bong bóng nhà đất. Những chính sách bất cập thổi phồng thị trường bất động sản đang gián tiếp khiến hàng triệu thanh niên Trung Quốc ế vợ.

Tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc đang tỷ lệ nghịch với giá nhà

Tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc đang tỷ lệ nghịch với giá nhà

Trên thực tế, vấn đề kết hôn đã trở thành thách thức với chính quyền Bắc Kinh khi tỷ lệ sinh đang ngày càng giảm. Báo cáo chính thức năm 2021 cho thấy tỷ lệ sinh năm 2020 tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 8,52 trẻ trên mỗi 1.000 người, thấp hơn mức 10,41 trẻ/1.000 người của năm 2019.

Đây là lần đầu tiên tỷ lệ sinh của Trung Quốc xuống dưới mức 10 trẻ/1.000 người kể từ năm 1978.

Số liệu này khiến nhiều quan chức Trung Quốc phải ngạc nhiên khi chính quyền Bắc Kinh đã dỡ bỏ quy định chỉ được sinh 1 con từ năm 2016. Tuy nhiên với những chuyên gia phân tích, câu chuyện chẳng có gì khó hiểu khi giá nhà đất tăng khiến giới đại gia bất động sản làm giàu trong khi chính những bạn trẻ là nạn nhân.

Với giá nhà cao chót vót, giới trẻ Trung Quốc chẳng có cơ hội mua bất động sản để có thể kết hôn hay sinh con. Họ chỉ có thể sống tạm bợ trong các căn hộ thuê hoặc dạt về các vùng quê hẻo lánh. Trong khi đó giới đầu cơ lại tạo nên hàng loạt thành phố ma với những căn hộ chẳng ai ở.

Đáng lẽ chuyện xây nhiều nhà chẳng phải là vấn đề bởi Trung Quốc có đến 1,4 tỷ dân và hàng trăm triệu người rồi cũng sẽ phải di rời lên thành phố sinh sống trong 30-40 năm tới trước tốc độ đô thị hóa nhanh.

Vậy nhưng chính sự đầu cơ và cuồng mua nhà đang khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi giá nhà quá cao so với thu nhập khả dụng.

Nghiên cứu của hãng BCA Research cho thấy tỷ lệ giá nhà trên thu nhập hộ gia đình tại các thành phố lớn của Trung Quốc (House price-to-household Income Ratio) đang là 19, cao hơn rất nhiều so với 10 ở Anh và 4 ở Mỹ.

Tờ The Diplomat lấy ví dụ giá nhà tại 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng 9,7% tính đến cuối tháng 12/2018, mức tăng tháng thứ 44 liên tiếp và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ kết hôn giảm tới 30% trong 5 năm qua.

Tiến sĩ nhân khẩu học Shang-Jin Wei cho biết: "Có một quy chuẩn xã hội phát triển gần đây là gia đình chú rể phải cung cấp một ngôi nhà ở nông thôn hoặc một căn hộ ở thành phố cho cặp vợ chồng trẻ trước khi kết hôn. Một cuộc khảo sát về các bà mẹ có con gái tại 8 thành phố lớn của Nhật báo Kinh tế Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2010 cho biết 80% số người được hỏi sẽ phản đối việc con gái họ kết hôn với một người đàn ông không sở hữu nhà".

Loạn giá vé tết

Bách Hợp (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/can-ho-dang-tra-no-the-chap-bi-ngung-xay-dung-vo-sap-cuoi-lap-tuc-co-dong-thai-khien-chang-trai-dau-don-khong-noi-nen-loi-172240125113332689.htm