Căn hộ kiểu Airbnb ở TP.HCM kín khách hết lễ 2/9 dù bị cấm

Du khách đổ xô thuê căn hộ theo hình thức Airbnb ở TP.HCM để du lịch tại chỗ (staycation) vào dịp lễ 2/9, dù Luật Nhà ở cấm sử dụng chung cư vào mục đích không phải để ở.

 Thuê căn hộ ngắn ngày trở nên sôi động vào dịp lễ 2/9. Nhiều du khách đặt chỗ từ sớm để du lịch tại thành phố. Ảnh: Phương Lâm.

Thuê căn hộ ngắn ngày trở nên sôi động vào dịp lễ 2/9. Nhiều du khách đặt chỗ từ sớm để du lịch tại thành phố. Ảnh: Phương Lâm.

Giá rẻ, thoải mái như ở nhà, không gian mới mẻ, tụ tập được nhóm đông người… là những lý do khiến V.H (24 tuổi, sống tại quận 10, TP.HCM) và nhóm bạn chọn thuê căn hộ kiểu Airbnb trong chung cư Nguyễn Huệ (quận 1) vào ngày 1/9.

Mùa hè đã chi 28 triệu đồng cho tour Thái Lan, cả nhóm thống nhất sẽ du lịch tại thành phố vào lễ 2/9 này nhằm tiết kiệm chi phí.

"Căn hộ gồm 5 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm và tivi cài Netflix. Mức giá khoảng 1,6 triệu đồng/đêm, chia ra chỉ 400.000 đồng/người, rẻ hơn so với khách sạn hay homestay, giờ nhận và trả phòng cũng linh hoạt. Cả nhóm tôi đã mua vài bộ trò chơi giải trí và thức ăn vặt, nguyên liệu để cùng nấu ăn", nữ du khách chia sẻ với với Tri Thức - Znews.

Khi nghe tin căn hộ chung cư bị cấm sử dụng vào mục đích không phải để ở, V.H tỏ ra bất ngờ. Bởi lướt tìm trên các nền tảng đặt chỗ lẫn mạng xã hội, nữ du khách thấy rất nhiều bài đăng giới thiệu về căn hộ. Chưa kể, việc đặt chỗ cũng không gặp khó khăn.

"Tôi không biết về việc này. Sau khi hoàn tất đặt cọc, tôi nhận được mail hướng dẫn check-in, quy định lưu trú và địa chỉ. Ngoài ra, không có thông tin gì khác từ chủ căn hộ (host)", V.H nói.

Khách vẫn thuê ồ ạt

Luật Nhà ở năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Quy định này nhằm đảm bảo an ninh, trật tự cho chung cư và đời sống của cư dân.

Trên thực tế, điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 cũng cấm cho thuê căn hộ theo giờ, theo ngày. Song, trên các trang mạng xã hội và nền tảng đặt chỗ, nhất là Airbnb, vẫn rao cho thuê căn hộ ngắn ngày.

So với nhà nghỉ, khách sạn và homestay, hình thức lưu trú này ngày càng được ưa chuộng bởi nhiều ưu điểm. Du khách được toàn quyền sử dụng căn hộ trong thời gian lưu trú, không phải thông qua lễ tân. Sau khi xác nhận đặt chỗ, thông tin về chủ căn hộ, địa chỉ, hướng dẫn check-in và quy định sẽ được gửi qua mail.

Du khách chuộng căn hộ ngắn ngày vì giá rẻ, tiện nghi như ở nhà, lại được "đổi gió" mà không phải di chuyển xa. Ảnh: L.H.

Du khách chuộng căn hộ ngắn ngày vì giá rẻ, tiện nghi như ở nhà, lại được "đổi gió" mà không phải di chuyển xa. Ảnh: L.H.

Vì lần đầu thuê căn hộ kiểu Airbnb, V.H đã ghé qua chung cư để xem trước. Nữ du khách cho biết cư dân sống cùng tầng với căn hộ gần như quen với việc khách vãng lai ra vào mỗi ngày.

"Thấy tôi lạ, họ chỉ hỏi tôi thuê căn hộ đúng không, nhà ở quận nào và nhắc đừng vui đùa lớn tiếng vào giữa khuya", V.H kể lại.

Giống với V.H, N.L.N.V (27 tuổi, sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng quyết định "chốt" căn hộ trong một chung cư ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) vào 2 ngày đầu trong kỳ nghỉ lễ, sau khi đọc đánh giá tốt từ những khách thuê trước.

"Đổi mới không gian sống mà không cần ra khỏi thành phố là cách du lịch của tôi vào lễ 2/9. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thuê căn hộ ở trong ngày để tìm lại cảm hứng. Căn hộ sắp tới giá khoảng 1,2 triệu đồng, có hồ bơi, phòng tập thể dục, sân tennis… Hơn nữa, lưu trú trong căn hộ tạo cảm giác riêng tư và gần gũi hơn", nữ du khách chia sẻ.

Khi được hỏi, N.L.N.V cũng không biết việc căn hộ chung cư bị cấm cho thuê ngắn ngày bởi quá trình đặt chỗ diễn ra nhanh gọn. Nữ du khách chỉ mất khoảng 30 phút cho thao tác tìm phòng, chọn ngày lưu trú và hoàn tất đặt chỗ.

Không nên bất chấp

Khi tìm kiếm chỗ ở tại TP HCM trên Airbnb, kết quả trả về hơn 1.000 căn hộ với nhiều mức giá, dao động 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. Điều này chứng tỏ việc giao dịch giữa chủ căn hộ và du khách trên các nền tảng vẫn diễn ra suôn sẻ, dù bị cấm.

 Chủ căn hộ vẫn rao thuê căn hộ trên mạng xã hội và các nền tảng đặt chỗ. Ảnh: Airbnb.

Chủ căn hộ vẫn rao thuê căn hộ trên mạng xã hội và các nền tảng đặt chỗ. Ảnh: Airbnb.

B.N, đại diện căn hộ trong chung cư Orient Apartment (quận 4), cho biết hoạt động cho thuê bắt đầu từ tháng 6. Hiện lịch đã "chốt" đến hết ngày 4/9. Khi đến chung cư, du khách sẽ gửi xe ở cổng vào, đi theo số lô và nhận hộp thẻ thang máy từ bảo vệ. Mật khẩu của hộp chìa khóa trước nhà sẽ được cung cấp riêng. Căn hộ cũng trang bị bánh nước miễn phí.

"Để du lịch tại chỗ với chi phí rẻ, du khách chấp nhận những trải nghiệm không mong muốn trong quá trình lưu trú. Khi đặt căn hộ lần đầu sẽ được giảm 10%", đại diện này chia sẻ.

Tương tự, một căn hộ có phong cách trẻ trung, nằm trong chung cư thuộc quận 1 cũng kín lịch đến hết ngày 7/9, nhiều du khách đặt trước từ giữa tháng 8. Theo G.K, chủ của căn hộ nêu trên, lịch tháng 9 (từ ngày 9/9) chỉ còn trống vài ngày đầu tuần.

Người chủ này còn cho biết căn hộ có view Bitexco và giường cỡ queen, mọi ngóc ngách đều được trang trí tỉ mỉ. Du khách khi thuê sẽ tự nhận căn hộ với hộp khóa an toàn và tuân theo các quy định riêng.

Dịp lễ 2/9, nhu cầu du lịch tại chỗ tăng cao, đồng nghĩa với việc các căn hộ kín lịch từ sớm. Ảnh: L.H.

Dịp lễ 2/9, nhu cầu du lịch tại chỗ tăng cao, đồng nghĩa với việc các căn hộ kín lịch từ sớm. Ảnh: L.H.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (ITERD), cho biết hình thức lưu trú này tại TP.HCM không mới, nhưng tỷ trọng trên đà tăng nhanh. Đặc biệt là khi xu hướng du lịch gia đình và tự túc bùng phát.

Mỗi du khách đều có thiết bị thông minh để tiếp cận với thông tin. Họ có thể du lịch xa, cũng có thể vui chơi trong thành phố, nhưng nhu cầu đều hướng đến căn hộ giá rẻ, tiện nghi, dễ dàng mang theo đồ nấu ăn để kết nối với gia đình và bản thân.

"Căn hộ ngắn ngày ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng đang chịu tác động của luật mới. Việc đưa ra luật góp phần điều chỉnh không gian và văn hóa của chung cư. Bởi một số nhóm khách lưu trú có hoạt động gây ảnh hưởng, làm cư dân khó chịu", ông Minh thông tin.

Vị tiến sĩ cho biết thêm ngoài Luật Nhà ở 2024 cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, còn có Luật Du lịch quy định nhà dân dư phòng có thể cho thuê dựa trên yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy và cơ sở vật chất tối thiểu để kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, hàm ý của Luật Du lịch chỉ mô hình homestay, tức là du khách đến nhà và cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân.

"Du khách thuê căn hộ là kết nối cứng với nguồn lực của chung cư. Dù có nhu cầu cũng cần tuân thủ luật. Ở giai đoạn đầu, đôi bên chưa kịp cập nhật và điều chỉnh, việc thực thi cần có thời gian. Sắp tới, Nhà nước sẽ rà soát và quản lý chặt chẽ. Tình hình này đòi hỏi những người cung ứng dịch vụ phải thay đổi chiến lược, tầm nhìn cho phù hợp", ông Minh bày tỏ.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-ho-kieu-airbnb-o-tphcm-kin-khach-het-le-29-du-bi-cam-post1494665.html