Căn hộ quê giữa lòng phố thị

Một khoảng nào đó trong đời, tôi sẽ đem cả ngôi nhà tuổi thơ của tôi lên thành phố, dù quê mùa nhưng tôi sẽ hạnh phúc vô cùng.

Tôi may mắn vì được đi qua một số địa danh trên bản đồ Việt Nam. Mỗi khi đến một địa danh mới nào đó, thấy một gia đình nhỏ ngồi ăn bữa cơm chiều hay một hàng hoa, cây kiểng bên ngoài sân gạch đỏ, tôi lại nhớ căn nhà ở quê của mình da diết. Nên dù đi đâu, làm gì, tôi cũng không thể nào quên được mái nhà nhỏ ở quê nhà.

Nhìn thấy cơ hội cho mình

Năm 18 tuổi, tôi lên TP.HCM tiếp tục hành trình đuổi theo con chữ. Ngày đầu đặt chân đến bến xe, tôi lo lắng hơn là phấn khích, bởi trước đó, tôi sợ và chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại với TP này lâu dài.

Tôi được sinh ra và lớn lên ở miền quê sông nước ở Kiên Giang. Suốt khoảng thời niên thiếu, TP với tôi là một nơi xa lạ với đèn điện đầy đường, người xe chen chúc. Khi ấy, tôi sợ nơi thành thị qua lời kể về những cám dỗ, cạm bẫy mà người quen của tôi vướng phải khi lên TP. Tôi sợ cảnh lọt thỏm, nhỏ bé, mất hút ở TP này như kiểu đem ngôi nhà nhỏ ở quê đặt giữa lòng khu cao ốc.

Tác giả Phạm Hồng Sơn là giáo viên tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Tác giả Phạm Hồng Sơn là giáo viên tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Nhưng rồi sau bốn năm gắn bó, sớm tối đi về trên những chuyến xe buýt dọc ngang TP, tôi đã được thấy, được nghe những điều mà chưa ai kể cho tôi trước đó.

Tôi may mắn được học ở một ngôi trường có tiếng của TP. Tôi may mắn gặp được nhiều người tốt giữa muôn vàn gương mặt xa lạ và may mắn tìm được công việc đi dạy, ngồi viết giữa hàng triệu người đang tất bật mưu sinh.

Ở TP này, tôi nhìn thấy cơ hội cho mình, cũng như chia đều, công bằng cho tất cả. Và quan trọng hơn hết, như niềm mong ước của cha mẹ, anh em tôi sẽ không còn quẩn quanh nơi bờ ruộng, vuông tôm, không còn thức trắng trông con nước hay đỏ mắt khi trúng lúa nhưng giá rớt thảm sầu.

Sau tất cả, tôi quyết định ở lại TP lập nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, nuôi hy vọng tiếp tục con đường học tập để trở thành giảng viên đại học. Tôi thuê trọ, tìm việc và bắt đầu nhận được những khoản lương đầu tiên để tự trang trải cuộc sống.

Đem “ngôi nhà của tuổi thơ” ở quê lên TP

Hồi còn là sinh viên, tôi ở ký túc xá. Khi ấy, tôi thèm lắm cảm giác có được một căn trọ nhỏ của riêng mình.

Rồi ước nguyện ấy cũng thành. Phòng trọ tôi thuê rộng khoảng 12 m2, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Ở căn phòng nhỏ này, tôi đã sắp xếp để có đầy đủ góc học tập riêng, có khoảng bếp vừa phải và đủ chỗ cho cây xanh len lỏi một góc nhỏ trong phòng.

Tôi biết ơn thành phố này

Tôi biết ơn TP này vì đã cho mình cơ hội tiến xa trên con đường tri thức, được gặp gỡ bao người bạn nhiệt thành từ khắp mọi miền đất nước, được cảm nhận sự tử tế từ những con người xa lạ.

Tôi hiện là cộng tác viên viết báo và là giáo viên tiếng Anh. Tôi yêu nghề giáo vô cùng và đang cố gắng để có cơ hội trở thành một giảng viên, quay về phục vụ ngôi trường mình từng theo học.

Với người dân quê tôi, nhà không chỉ là chốn ở, là nơi tránh nắng trốn mưa mà còn là tổ ấm. Là nơi người ta thấy cả cội nguồn khi bao thế hệ cùng ngồi chung bữa cơm, cùng tâm sự buồn vui. Bốn năm ở thị thành nhưng không lọc được chất quê vốn đã thấm vào tận huyết quản và cấu thành tôi của hiện tại.

Tôi biết một ngày nào đó, tôi cũng sẽ cần tổ ấm của riêng mình, một căn hộ ở TP này, để không còn phải lo cảnh “sống tạm nhà người”. Tôi vẫn thường hay nghĩ và tưởng tượng về nó, như cách tôi mơ về một phòng trọ lý tưởng hồi còn sinh viên.

Góc học tập của tác giả.

Góc học tập của tác giả.

Khi đó, tôi sẽ thường xuyên mời cha mẹ lên chơi tại căn hộ nhỏ của mình. Tôi sẽ đem cả “ngôi nhà của tuổi thơ” ở quê lên TP.

Ở ban công của căn hộ, tôi sẽ trồng vài bụi hoa vạn thọ và vài loại rau như hồi xưa nội tôi thường trồng. Mỗi sáng trước khi đi làm, được chăm sóc, tưới nước cho chúng cũng là một niềm vui.

Từ ban công, tôi có thể nhìn thẳng vô phòng ngủ của mình. Đó sẽ là căn phòng rộng với một kệ sách bên trái và chiếc bàn đặt sát cửa sổ. Tôi chưa từng tưởng tượng điều gì sung sướng hơn cảnh tôi ngồi bên chiếc bàn đó nhìn ra ban công đầy hoa, bên một tách trà lài. Chắc lúc đó tôi sẽ rất nhớ nhà và thèm được về quê lắm.

Mẹ tôi dạy bếp là nơi quan trọng nhất trong nhà. Người ta có thể đoán định gia đình có êm ấm hay không chỉ qua căn bếp. Và tôi tin mẹ.

Ở góc bếp trong căn hộ mơ ước, nó sẽ có tông màu vàng ấm. Tôi sẽ giữ căn bếp luôn tươm tất như cách bà và mẹ tôi đã giữ căn bếp ở quê nhà trong mấy mươi năm nay. Tôi sẽ nhóm bếp vào mỗi cuối chiều đi làm về và nấu những món ăn bình dị của quê nhà.

Phòng khách, ngoài bộ bàn ghế gỗ nhỏ, tôi sẽ trưng bày cả thời tuổi thơ của mình với những tấm ảnh ngả màu, những món đồ tôi gắn bó hồi bé và chút hoa cỏ quê nhà.

Tôi biết mình còn cả một chặng đường dài phía trước phải đi, để đến được ngày tự tay chăm sóc khu vườn ngoài ban công, tự tay cắm một bình hoa giữa căn hộ “quê mùa” trong TP.

Một góc xanh ở phòng trọ hiện tại của tác giả.

Một góc xanh ở phòng trọ hiện tại của tác giả.

Tôi từng nghĩ sẽ thật khó để thích nghi ở TP nếu cứ khư khư trong mình một tâm hồn thôn quê, từ nếp nghĩ, sinh hoạt đến cả ước mơ của mình. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng chính nếp nghĩ, ước mơ đó đã nuôi sống tôi, giúp tôi đi suốt bốn năm qua giữa bộn bề tấp nập và đó cũng là động lực đưa tôi đi trên hành trình dài phía trước.•

Quý bạn đọc thân mến!

Cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ” do báo Pháp Luật TP.HCM cùng Tập đoàn CT Group phối hợp tổ chức, phát động từ ngày 1-7-2022.

Với slogan “Cùng người trẻ kiến tạo cuộc sống”, cuộc thi tạo sân chơi cho các bạn trẻ thoải mái thể hiện khát khao kiến tạo cuộc sống hiện đại, giàu cảm hứng qua việc viết và thiết kế ngôi nhà mơ ước, tổ ấm yêu thương trong tương lai.

Từ ngày phát động cuộc thi đến nay, ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài dự thi của những người trẻ ở nhiều ngành nghề khác nhau: Công an, dược sĩ, biên tập viên, giáo viên, nhân viên kinh doanh, giảng viên đại học, kiểm sát viên, luật sư, nhân viên văn phòng, chuyên viên pháp lý, người mẫu…

Từ các bài dự thi gửi về, năm thành viên ban giám khảo cuộc thi đã chấm điểm một cách nhiệt tình, công tâm. Trên cơ sở đó, ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra 12 tác giả để trao giải thưởng bài viết xuất sắc của tháng (từ tháng 7-2022 đến tháng 2-2023). Giải bài viết xuất sắc của tháng là 3 triệu đồng/giải, mỗi tháng chọn ra tối đa hai bài viết xuất sắc nhất để trao giải.

Hôm nay, với bài dự thi viết cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ” cuối cùng của vòng 1 được đăng tải, chúng tôi thông báo khép lại vòng 1 của cuộc thi. Ban tổ chức sẽ trao giải cho các tác giả có bài viết xuất sắc của tháng 3 và tháng 4-2023 trong thời gian tới, sau khi có kết quả chấm giải từ ban giám khảo.

Cám ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi, tiếp sức cho vòng 1 của cuộc thi.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI “TỔ ẤM TÔI MƠ”

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-ho-que-giua-long-pho-thi-post731050.html